QĐND - Quyết định số 07/2012/QĐ-TTg, ngày 8-2-2012 của Thủ tướng Chính phủ về “Ban hành một số chính sách tăng cường công tác bảo vệ rừng” sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 30-3. Quyết định này đã quy định những chính sách ưu đãi rất cụ thể, như Nhà nước hỗ trợ cho ngân sách xã 100 nghìn đồng /ha/năm để tổ chức quản lý bảo vệ rừng đối với diện tích rừng do UBND cấp xã trực tiếp quản lý. Người tham gia bảo vệ rừng, chữa cháy rừng bị tai nạn được thanh toán tiền khám, chữa bệnh theo chế độ hiện hành, được hỗ trợ 100 nghìn đồng /ngày/người trong thời gian điều trị tại bệnh viện; được xét công nhận chế độ như thương binh; trường hợp bị chết, được hỗ trợ tiền mai táng, được xét công nhận chế độ như liệt sĩ theo quy định hiện hành của Nhà nước. Cũng theo quyết định trên, giai đoạn 2011-2015, lực lượng kiểm lâm sẽ được bổ sung thêm 3000 biên chế; khoảng 8 nghìn lượt người làm công tác bảo vệ rừng cơ sở và lực lượng kiểm lâm được đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ; đầu tư khoảng một nghìn tỷ đồng cho việc mua sắm phương tiện, trang thiết bị phục vụ công tác phòng cháy, chữa cháy rừng và bảo vệ rừng…
 |
Ảnh minh họa/ Internet
|
Thực tiễn công tác quản lý, bảo vệ rừng và chữa cháy rừng ở nước ta những năm qua đã bộc lộ nhiều bất cập, yếu kém dẫn tới tình trạng địa phương nào có rừng cũng để xảy ra những điểm nóng về phá rừng và tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy rừng. Bình quân mỗi năm nạn phá rừng, cháy rừng gây thiệt hại hàng nghìn héc -ta rừng. Chẳng hạn năm 2011 vừa qua, chỉ tính riêng Tây Nguyên, đã xảy ra 7 nghìn vụ vi phạm lâm luật, trong đó có hơn 1.860 vụ phá rừng với diện tích rừng bị chặt phá hơn 1.100ha và diện tích rừng bị cháy 836ha (!).
Những con số trên cho thấy, cuộc chiến giữ rừng hiện nay hết sức cam go, phức tạp, nhất là khi “lâm tặc” hoạt động ngày một trắng trợn, thách thức cả lực lượng chức năng và nhờn luật. Đã có nhiều trường hợp người bảo vệ rừng bị lâm tặc hù dọa, trả thù, chống đối, thậm chí bị chúng đánh trọng thương, có trường hợp dẫn tới tử nạn. Trong khi đó, lực lượng làm công tác bảo vệ rừng hiện còn mỏng, thiếu nhiều biên chế; phương tiện, trang thiết bị phục vụ nhiệm vụ còn sơ sài; chính sách đãi ngộ, chăm lo ổn định đời sống người giữ rừng còn những điểm chưa thỏa đáng. Thế nhưng, trong thực tiễn công tác bảo vệ rừng lâu nay đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình xả thân giữ rừng trước bàn tay lâm tặc và cứu rừng trong hỏa hoạn. Họ là những cán bộ, nhân viên kiểm lâm, nhân viên bảo vệ rừng, dân quân tự vệ ở cơ sở, thậm chí là những người dân thường sống trong các bản làng định cư gần rừng, luôn có lòng tâm huyết với rừng. Ví dụ, vụ chữa cháy rừng Vườn Quốc gia Hoàng Liên đầu tháng 3 mới đây, nếu người dân không sẵn lòng xả thân cứu rừng, thì làm sao tỉnh Lào Cai có thể huy động được hơn 3000 lượt người (chủ yếu là dân quân và người dân địa phương) để nhanh chóng dập tắt được đám cháy bằng những phương tiện, trang bị và công cụ thô sơ nhất.
Có thể nói, nhiệm vụ bảo vệ rừng và công tác chữa cháy rừng là vô cùng gian lao và nguy hiểm, nhiều khi đòi hỏi sự hy sinh tính mạng. Quyết định số 07/2012/QĐ-TTg một lần nữa đã cụ thể hóa chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước ta đối với lực lượng làm công tác bảo vệ và phát triển rừng trong giai đoạn hiện nay, góp phần tăng cường sức mạnh, động viên toàn dân tham gia giữ rừng, chữa cháy rừng. Triển khai thực hiện tốt quyết định này, nhiệm vụ bảo vệ rừng, công tác phòng cháy, chữa cháy rừng trong cả nước sẽ tạo được những chuyển biến tích cực và màu xanh của rừng sẽ xanh trở lại.
Kiều Bình Định