Là nhà khoa học và là những nhà giáo, không ai trong số họ không hiểu được giá trị thật những đóng góp nghiên cứu và giảng dạy của chính mình, của đồng nghiệp. Đó là những giá trị không chỉ được đánh giá bằng cảm tính mà phải được giới học thuật và giáo dục-đào tạo công nhận; đồng thời được chứng minh trong thực tiễn. Chính vì thế, những người làm công tác nghiên cứu, giảng dạy đều sẵn có lòng tự trọng. Khi tự nhận thấy trình độ và kết quả nghiên cứu, giảng dạy của mình chưa thật thuyết phục, còn thiếu khuyết so với tiêu chí, tiêu chuẩn, việc họ tự xin rút cũng là phải lẽ, chứng tỏ sự trung thực.
 |
Ảnh minh họa / http://baochinhphu.vn |
Song, sự tình không đơn giản như vậy. Lâu nay ở ta, theo nếp cũ, các chức danh, học hàm GS, PGS được kèm theo những danh tiếng và quyền lợi. Dân ta vốn trọng nể những người có học, học cao, bằng cấp đến GS, PGS được xem là những người ưu tú, được cả xã hội trọng vọng. Từ cơ chế bao cấp trước đây còn tồn tại đến hiện nay, GS, PGS được hưởng các chế độ lương, thù lao, kinh phí nghiên cứu, thực hiện đề tài, giảng dạy và các hoạt động khoa học cao vượt hơn hẳn so với các nghiên cứu viên và cán bộ giảng dạy khác. Thêm nữa, GS, PGS là thứ phẩm hàm được công nhận suốt đời. Tất nhiên, khi đất nước còn nghèo, những ưu đãi đó chưa thể giúp cho họ trở nên giàu có, nhưng so chung các vị đã ở thứ bậc cao và chỉ có những người làm công tác nghiên cứu, giảng dạy có năng lực mới dám mơ ước. Đam mê công việc, có thành tựu, có cống hiến, họ xứng đáng được phong tặng, đề cao và tôn vinh, dù trong cơ chế, hoàn cảnh nào.
Có điều, những năm gần đây, sự phát triển theo chiều rộng của đào tạo đại học dẫn đến tình trạng không chú trọng chất lượng mà số lượng thì quá nhiều. Vì thế, đội ngũ cán bộ nghiên cứu, giảng dạy bị “pha loãng” cũng là điều dễ hiểu. Ngay cả trong số được phong GS, PGS cũng có những người tài năng chưa đến độ, chưa xứng kỳ danh kỳ lợi. Đã vậy, những biểu hiện chạy chọt, ganh đua ngoài xã hội dường như cũng đã len vào con đường hướng tới “sân chơi đẳng cấp” của những người thầy bậc cao.
Không có lòng tự trọng không thể làm khoa học, không thể làm người thầy. Để thực sự tôn trọng lòng tự trọng của họ, để thực sự động viên, khích lệ những nhà nghiên cứu, giảng dạy nói chung và những GS, PGS nói riêng không ngừng nỗ lực sáng tạo, Nhà nước và xã hội sẽ còn phải làm nhiều việc để thúc đẩy công cuộc đổi mới giáo dục-đào tạo cơ bản và toàn diện. Riêng với việc xét và phong GS, PGS cũng rất cần được rà soát lại một cách hệ thống và nên cân nhắc cẩn trọng đó là phần việc của Nhà nước hay trao cho các đại học tự chủ, cùng mọi tiêu chí, quy trình, quyền hạn, quyền lợi. Đây là việc không dễ, song rất cần thiết và có thể làm được.
GS, PGS là những cán bộ chủ chốt của các cơ sở nghiên cứu và đào tạo, trên ý nghĩa nhất định, họ chính là những hiền tài của thời đại. Không minh bạch, chặt chẽ mà lỏng lẻo, chiếu cố hoặc dính dấp đến tiêu cực chính là không tôn trọng những ứng viên và cả những thành viên các hội đồng xét phong, không đề cao lòng tự trọng, tự hào và nỗ lực vươn lên của các nhà khoa học, nhà giáo.
NGUYỄN ANH