Áo dài không chỉ là trang phục bình dị trong sinh hoạt đời thường, mà còn là trang phục lịch sự trong nghi lễ của gia đình, dòng họ, cộng đồng; phù hợp với mọi lứa tuổi, thành phần. Đặc biệt, trong những sự kiện quan trọng của đất nước, trên các diễn đàn quốc tế, các cuộc thi sắc đẹp, áo dài luôn mang lại vẻ đẹp trang trọng, lịch lãm của phụ nữ Việt Nam.

Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN

Đã có rất nhiều cuộc tranh luận của các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa khi “truy tìm” nguồn gốc của chiếc áo dài, nhưng dựa trên bối cảnh lịch sử của dân tộc, cuối cùng đều đi tới kết luận chung rằng: Theo thời gian, chiếc áo dài đã trở nên đa dạng về kiểu cách để phù hợp với phong cách thời trang của từng giai đoạn và trở thành chiếc áo dài truyền thống với hình hài chuẩn mực như ngày nay. Chúng ta cũng phải thừa nhận rằng, dẫu biến đổi thế nào đi chăng nữa cũng là để chiếc áo dài ngày càng hoàn thiện hơn, trở thành một tác phẩm mỹ thuật tuyệt vời và là biểu tượng của nét đẹp văn hóa, niềm tự hào của hàng triệu người con đất Việt.

Áo dài Việt Nam từng đoạt huy chương vàng về y phục dân tộc vào năm 1970, tại Hội chợ quốc tế Osaka (Nhật Bản). Bất cứ khách quốc tế nào khi đứng trước người mặc áo dài Việt cũng trầm trồ, ngây ngất khi ngắm nhìn những vạt áo dài mỏng manh, e ấp, buông lơi trước gió... Chiếc áo dài thể hiện những nét đẹp của phụ nữ Việt Nam với sự thuần khiết, vừa tế nhị, kín đáo, đoan trang, vừa duyên dáng, uyển chuyển mà lại vô cùng gợi cảm. Áo dài giờ đây không chỉ là biểu tượng cho hình ảnh người phụ nữ Việt Nam, mà còn đại diện cho văn hóa Việt Nam, bản sắc dân tộc Việt Nam.

Áo dài Việt Nam có những giá trị văn hóa và bề dày lịch sử không thể phủ nhận, do đó, mong muốn áo dài Việt Nam được ghi danh Di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO là nguyện vọng chính đáng không chỉ của các thế hệ phụ nữ Việt Nam. Việc tôn vinh giá trị của áo dài Việt Nam đang được các cơ quan chức năng triển khai thực hiện. Điều này thể hiện rõ, thời gian qua, nhiều địa phương đã tổ chức các lễ hội áo dài, tuần lễ áo dài; các cuộc thi thời trang; ban hành quy định về mặc áo dài... Tại TP Hồ Chí Minh, từ năm 2014 đến nay, lễ hội áo dài được tổ chức định kỳ vào tháng 3 với nhiều hoạt động phong phú như: Chương trình “Áo dài tặng bạn” trao 10.000 chiếc áo dài mỗi năm tặng hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn; Chương trình “Đồng diễn áo dài” đã thu hút hơn 4.000 hội viên tham gia... Đặc biệt, từ đầu năm 2020 đến nay, nhiều hoạt động tôn vinh áo dài Việt Nam được triển khai và thực hiện sôi nổi: Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động các cấp hội phụ nữ cả nước tổ chức Tuần lễ áo dài, thi ảnh áo dài online; hình thành các trang mạng xã hội chia sẻ vẻ đẹp của áo dài Việt Nam, tổ chức đồng diễn áo dài... Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cũng đã phối hợp với Câu lạc bộ Áo dài phát động cuộc vận động thiết kế “Tự hào áo dài Việt Nam” trong cả nước; tổ chức trình diễn áo dài với các bộ sưu tập gắn với 21 di sản văn hóa của Việt Nam đã được UNESCO công nhận vào dịp cuối tháng 6 vừa qua. Đặc biệt là, mới đây, lần đầu tiên cuộc hội thảo khoa học cấp quốc gia về “Áo dài Việt Nam: Nhận diện, tập quán, giá trị và bản sắc” đã được tổ chức, thu hút sự tham gia của đông đảo các nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học, nghệ nhân và nhà thiết kế...

Các hoạt động trên nằm trong chuỗi hoạt động chuẩn bị ghi danh áo dài Việt Nam vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, tiến tới lập hồ sơ trình UNESCO. Qua đó, góp phần để mọi người thêm hiểu về giá trị và vẻ đẹp của chiếc áo dài Việt Nam.

Càng khẳng định áo dài là di sản quý giá mà tiền nhân để lại cho chúng ta, là trang phục tôn vinh văn hóa truyền thống và vẻ đẹp của phụ nữ Việt Nam, mỗi chúng ta càng phải có trách nhiệm, biết trân trọng, gìn giữ và phát triển để hình ảnh chiếc áo dài Việt Nam đẹp mãi; đồng thời hết sức tránh những việc gây ảnh hưởng không tốt tới vẻ đẹp và giá trị của chiếc áo dài.

KIM ANH