Gia đình tôi cũng có con tham gia kỳ thi năm nay. Bao nỗi lo, bao câu hỏi về sức học, nhóm ngành nghề hay cả về sự thay đổi “bất thình lình” như đã từng diễn ra... được “trút” lên đầu các dì đang làm giáo viên, cả ở các quận nội thành và một số huyện ngoại thành Hà Nội, mấy ngày qua khiến các dì phát bực. Dì T nói: "Không phải lo gì". Rồi dì hỏi lại tôi: “Con nhà cháu có thực học không? Có học thêm như các bạn không?”. Tôi giật mình với câu hỏi của dì. Con nhà mình có thực học không nhỉ? Dựa vào điều gì để biết thực học của con mình? Điểm số trong học bạ hay những kiến thức có được từ các trung tâm ngoại ngữ, lò luyện thi, luyện kiến thức, nơi con học thêm?

Ngẫm lại câu hỏi ấy của dì T thấy thật đúng. Thời gian qua chúng ta có khá nhiều học sinh rất giỏi, là nhân tài của đất nước khi họ mang trong mình thực học, khiến bạn bè năm châu nể phục. Thành tích của họ làm rạng danh nhiều gia đình, dòng họ và những ngôi trường họ học. Nhìn vào mặt bằng chung, bảng điểm thì thấy cơ bản học sinh khá tiến bộ. Thế nhưng, thử hỏi trong số học sinh ấy có bao nhiêu bạn không phải tới các lớp học thêm Toán, Văn, Ngoại ngữ, Lý, Hóa, Sinh... Thử hỏi số tiền mà mỗi gia đình phải chi cho học thêm là bao nhiêu để các em có được kiến thức thực sự, có đủ trình độ vượt qua các kỳ thi khốc liệt, với tỷ lệ “chọi” cực cao nhằm giành một suất học lớp 10 trường công hay vào một trường đại học danh giá?...

Ảnh minh họa: Vnexpress.net 

Không phủ nhận vẫn có trường, thầy, cô dạy tốt, có trách nhiệm, giúp các em không cần đi học thêm mà kiến thức vẫn vững. Nhưng tiếc là số đó ít quá. Mà thực tế, với số đông, hầu hết kiến thức nâng cao lại tới từ các lớp học thêm. Nhiều gia đình biết điều đó và bức xúc vì hao hụt kinh tế, vì phải tốn thời gian đưa đón... Lâu ngày họ dần thiếu niềm tin vào các lớp “chính khóa”. Có lẽ vì thế mà ở phần đánh giá công tác giáo dục, Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã chỉ cụ thể điểm yếu của giáo dục và đào tạo: “Chất lượng, hiệu quả giáo dục và đào tạo chưa cao” hay “Chưa chú trọng đúng mức đến phát triển phẩm chất và kỹ năng người học. Giáo dục “làm người”, đạo đức, lối sống còn bị xem nhẹ”.

Chỉ một hai câu trích trong văn kiện mới nhất của Đảng đã cho thấy thực tế của mối lo xuống cấp đạo đức, những bất ổn do sự thay đổi liên tục với một số quyết định có phần “nôn nóng”. Điều này cũng giải thích việc ngành giáo dục khó trả lời được những câu hỏi tại sao cả ngàn, vạn học sinh vẫn phải đổ tới các lớp học thêm, dù đã cấm? Tại sao vẫn có hiện tượng điểm học bạ cực đẹp mà không nói nổi một câu ngoại ngữ tròn trịa, không đủ kỹ năng khi làm việc ở các cơ quan chuyên môn? Tại sao tỷ lệ trẻ em tự kỷ, xuống cấp đạo đức, bạo lực học đường... vẫn gia tăng, gián tiếp gây nên những căng thẳng không cần thiết trong xã hội?... Những câu hỏi tại sao ấy chắc sẽ còn kéo dài khi “những người trong cuộc” không thực sự thừa nhận họ đang thiếu trung thực với trách nhiệm của mình.

Đã có sự thỏa hiệp nguy hiểm. Không ít gia đình thiếu trung thực khi chấp nhận kết quả không trung thực của con em mình. Họ nhìn thấy một bảng điểm đẹp và biết rõ thực học của con em mình không tới mức như vậy, thế nhưng họ vẫn cho qua, họ thỏa hiệp và chấp nhận học thêm hòng “vá” lại chỗ yếu của con mình. Trong khi đó, một bộ phận không nhỏ giáo viên, nhà quản lý chỉ vì thành tích nhà trường cũng quên đi cái căn cốt là phải đánh giá đúng năng lực thực sự của học sinh. Bệnh thành tích, sự phù phiếm, thiếu trung thực của nhiều trường học, nhiều cán bộ quản lý giáo dục và cả gia đình đã gây ra ảo tưởng cho chính học sinh.

Việc thỏa hiệp ấy trái với truyền thống hiếu học của đất nước ta vốn luôn xác định giáo dục là quốc sách, vốn luôn coi trọng "hiền tài là nguyên khí quốc gia". Cũng vì sự thiếu trung thực từ “những người trong cuộc” nên cho dù đã có không ít tuyên bố hùng hồn như nói không với bệnh thành tích; nói không với tiêu cực trong thi cử; nói không với dạy thêm, học thêm... nhưng kết quả là tiêu cực không giảm, thành tích ảo không giảm, bạo lực không giảm... mà nguyên nhân được xác định một phần chính do sự không trung thực từ “những người trong cuộc”.

Cần chữa trị ngay bệnh thiếu trung thực. Nếu không, sẽ còn rất nhiều thế hệ học sinh sinh ra chỉ học để mà học; học để mà thi, chứ rất ít em học vì đam mê kiến thức, đam mê ngành nghề; học để lập thân, lập nghiệp. Cán bộ là gốc của công việc, mà gốc của người dân tốt, cán bộ tốt, trước hết từ sự trung thực trong học tập khi còn nhỏ.

Vẫn biết, đổi mới giáo dục luôn là vấn đề đau đầu của nhiều quốc gia khi giá trị truyền thống, sự ổn định luôn mâu thuẫn, cọ xát với cái mới. Kinh tế-xã hội phát triển, khoa học kỹ thuật phát triển... đương nhiên giáo dục cũng phải phát triển tương ứng trong sự ổn định tương đối. Mọi sự vội vàng, không trung thực, mưu cầu lợi riêng chỉ càng khiến nỗi ám ảnh, thấp thỏm, áp lực, bất ổn liên quan tới giáo dục tăng lên.

NGUYỄN HÒA