Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã nêu quan điểm kiên quyết xử lý sự vô cảm, nhũng nhiễu với dân sau khi nghe Hiệp Hội doanh nghiệp phản ánh về Phòng Hạ tầng - Kỹ thuật thường xuyên nhũng nhiễu, gây khó dễ cho các nhà đầu tư hay có doanh nghiệp xin xây trường mầm non mất hơn hai năm vẫn chưa xong thủ tục. Ông cho biết đã nhận phản ánh, phàn nàn về hiện tượng này ở nhiều sở ngành; nhiều người đề nghị Bí thư phải xử lý thật kiên quyết nhưng vì chưa phát hiện hành vi cụ thể nào nên chưa xem xét.

leftcenterrightdel
Đồng chí Nguyễn Văn Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: nhandan.com.vn 

“Tới đây và ngay từ bây giờ, phát hiện trường hợp nào, tôi sẽ kiên quyết xử lý”, đồng chí Nguyễn Văn Thắng nói và khẳng định sẽ kiên quyết loại bỏ những cán bộ như vậy để nhiệm kỳ này, nếu cá nhân nào không nghiêm túc thực hiện nhiệm vụ thì dẹp sang một bên, không để tình trạng chỉ một vài người ý thức kém làm ảnh hưởng cả bộ máy.

Dư luận tin tưởng và chờ đợi những chỉ đạo xử lý nghiêm minh và cũng kỳ vọng sau tuyên bố trên, ý thức trách nhiệm, thái độ thực thi công vụ của cán bộ, công chức trên địa bàn tỉnh Điện Biên sẽ có chuyển biến thật sự. Dư luận kỳ vọng thông điệp của đồng chí Bí thư tỉnh ủy sẽ không chỉ thật sự “nói đi đôi với làm” mà còn trở thành liều thuốc đặc trị “bệnh vô cảm” của cán bộ, công chức ở địa phương.

Đây cũng chính là một căn bệnh trầm kha mà Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII của Đảng đã nhận diện: “Thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm trước những khó khăn, bức xúc và đòi hỏi chính đáng của nhân dân” là một biểu hiện của suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.

Sinh thời, Bác Hồ kính yêu của chúng ta cũng rất nghiêm khắc với những biểu hiện của căn bệnh vô cảm nêu trên. Nǎm 1963, Bác  Hồ về chỉ đạo chống hạn ở xã Nghiêm Xuân (huyện Thường Tín, TP Hà Nội) và đã tới hỏi thǎm một nhà dân. Khi Bác hỏi vừa qua gia đình đón, Tết có vui không, một cụ già thưa với Bác là ǎn Tết không vui. Bác hỏi vì sao, cụ kể lại gia đình từ xưa có ngôi nhà gần đường song huyện lại có lệnh đuổi bà đi để mở đường mà không bồi thường, cũng không chỉ cho gia đình chuyển đi đâu, vì thế gia đình ǎn Tết không vui. Người ra mệnh lệnh ấy là ông chủ tịch ủy ban nhân dân huyện. Bác rất buồn khi nghe sự việc và cho rằng, làm cán bộ như vậy là không xứng đáng, không khác gì cường hào xưa. Người chỉ thị phải điều tra làm rõ ngay. Đồng chí chủ tịch huyện kia bị kỷ luật. Lòng dân rất hả dạ và nhắc mãi chuyện đó như làm gương cho cán bộ không được thờ ơ, vô cảm với dân.

Để xử lý căn bệnh trên, chỉ tuyên truyền, giáo dục với tự đăng ký thực hiện các cuộc vận động thì chưa đủ, rất cần phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng; rất cần vai trò nêu gương, đi đầu trong chỉ đạo xử lý của người đứng đầu, nhất là các Bí thư Tỉnh ủy.

Kết quả bầu cử Bí thư tỉnh, thành nhiệm kỳ 2020 - 2025 vừa qua lần đầu tiên đã ghi nhận những con số kỷ lục. Có tới 27 đồng chí Bí thư Tỉnh ủy tuổi 7X và cũng có 27 đồng chí Bí thư Tỉnh ủy không phải là người địa phương (chiếm  43,08%).

Dư luận kỳ vọng với đội ngũ mới, tư duy mới cùng những thông điệp mạnh mẽ như của đồng chí Nguyễn Văn Thắng, một Bí thư Tỉnh ủy tuổi 7X sẽ lan tỏa tinh thần đổi mới phương thức lãnh đạo, điều hành; giúp các chủ trương đổi mới mạnh mẽ đất nước theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nhanh chóng đi vào cuộc sống.

NGUYỄN VĂN MINH