“Trẻ em như búp trên cành

Biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan”

Câu thơ chứa chan tình yêu thương trẻ em của Bác Hồ mãi cứ lay động cõi lòng của mỗi người Việt Nam. Còn nhớ, cứ đến Ngày Quốc tế thiếu nhi 1-6, Bác lại đi thăm hoặc đón các cháu thiếu nhi vào chơi ở Phủ Chủ tịch và nhà Bác. Tấm lòng của Bác cũng chính là tấm lòng, tình cảm căn cốt của dân tộc dành cho thế hệ măng non đất nước.

Chiến tranh, giặc giã, lũ lụt, mất mùa đói kém, người lớn phải ăn độn, ăn cháo thì trẻ em vẫn có hạt cơm. Thời chiến, thịt, cá, đường bán theo chế độ bao cấp thì phiếu trẻ em vẫn được ưu tiên. Ngay khi nước nhà vừa giành được độc lập, cùng với các nhiệm vụ diệt giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm, một nền giáo dục mới đã ra đời với sự gửi gắm, trông mong vào các thế hệ tương lai “sánh vai với các cường quốc năm châu”. Ba mươi năm dằng dặc kháng chiến đầy hy sinh, gian khổ, nền giáo dục ấy vẫn phát triển mạnh mẽ, đào tạo những lớp người giàu lòng yêu nước đủ trí lực để cầm súng và xây dựng đất nước.

Đất nước hòa bình cũng là lúc hệ thống giáo dục và nhiều chế độ, chính sách bảo vệ, chăm sóc thiếu nhi được hình thành thống nhất trong cả nước với các trường lớp, các hình thức tổ chức đội thiếu niên, các nhà văn hóa thiếu nhi, các câu lạc bộ cùng trách nhiệm của cả xã hội thông qua các đoàn thể thanh niên, phụ nữ, người cao tuổi… các quỹ khuyến học, những ưu tiên cho trẻ em. Trong kinh tế thị trường, việc chăm sóc dạy dỗ các em cũng nhanh chóng phát triển với các hình thức dịch vụ vui chơi giải trí, nuôi dưỡng, giáo dục đa dạng.

Ảnh minh họa/Nguồn thanhnien.vn

Hệ thống chính sách cùng sự đổi mới tiến bộ nhiều mặt đã phát huy tác dụng rõ rệt, nhưng trước những đổi thay của điều kiện xã hội cùng nhu cầu mới của trẻ em hiện nay đã xuất hiện những thiếu hụt, bất cập rất cần được bổ khuyết, cải tiến. Dễ thấy nhất là sự thiếu chỗ học, chỗ chơi cho trẻ em. Không chỉ ở đô thị mà ngay cả các vùng nông thôn, miền núi đều còn thiếu các trường lớp đạt chuẩn cả về cơ sở vật chất lẫn giáo viên. Trường được xây thêm, nâng tầng, thế nhưng sân trường, sân vận động, bóng cây bị thu hẹp lại. Trường có thêm phòng máy vi tính thì sân trường, vườn trường không còn. Ở đô thị, số người và trẻ em nói riêng ngày mỗi đông, nhu cầu vui chơi giải trí ngày càng cao nhưng nhà máy, xí nghiệp dời đi lại thay bằng khu đô thị, nhà ở, khách sạn, hiếm nơi cho trường học, công viên thế chỗ.

“Trẻ em như búp trên cành”-nếu hiểu theo nghĩa hẹp và thiển cận là cưng chiều các em thì đó là một sai lầm lớn. Rất tiếc một số bộ phận xã hội đã vướng vào sai lầm này. Có nguyên nhân ở sự bận bịu công việc hay lao động kiếm sống của cha mẹ nhưng cũng có nguyên nhân ở các thái cực quan niệm thả nổi hoặc ngược lại là ép uổng, đua chen học hành quá mức. Trẻ em phải được chơi, được học các kỹ năng. Riêng về kỹ năng thì nguy cơ ở vùng nông thôn trẻ em hiện nay cũng có xu hướng bị xa rời đồng áng và các việc nhà.

Có cầu thì có cung, xu thế xã hội hóa giáo dục, giải trí, chăm sóc trẻ em đang nở rộ nhưng những dịch vụ này cần được chuẩn hóa và quản lý cả về chất lượng và chi phí, trong đó cần khuyến khích các dịch vụ phát huy sự chơi mà học, sự gần gũi với thiên nhiên, cuộc sống nông thôn, các kỹ năng phù hợp. Và cũng luôn nhớ, dù dịch vụ ngoài xã hội phát triển thì có những việc Nhà nước buộc phải chăm lo. Chuyện thành phố Đà Nẵng mới đây đã quyết định dành mặt bằng của “khu đất vàng” ven sông để làm trường học và công viên là một ví dụ. Ví dụ khác là Hà Nội và nhiều thành phố ưu tiên dành công viên cho hội sách, hội chợ, hỗ trợ cho các chương trình nghệ thuật của thiếu nhi dịp hè.

ANH NGUYỄN