Đó là buổi gặp mặt, tuyên dương những người làm báo tiêu biểu do Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam, Báo Nhân Dân, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức. Trước đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng gặp mặt đoàn đại biểu gồm một số nhà báo lão thành và 187 người làm báo tiêu biểu của cả nước về tham dự hội nghị này. Ngoài ra, các bộ, ban, ngành Trung ương, lãnh đạo các đơn vị, địa phương cũng tổ chức các buổi họp mặt, đến chúc mừng để tuyên dương và tri ân những người làm báo cả nước.
 |
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân với các nhà báo tại buổi gặp mặt các nhà báo tiêu biểu. Ảnh: TTXVN. |
Những việc làm trên thể hiện sự quan tâm, động viên và tình cảm quý mến của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Chính phủ, Quốc hội và sự trân trọng của nhân dân đối với nền báo chí cách mạng nước nhà. Trong suốt 95 năm qua, báo chí cách mạng Việt Nam đã thể hiện tốt vai trò định hướng dư luận, phản ánh sinh động các cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc và bảo vệ Tổ quốc XHCN; góp phần đáng kể trong phổ biến, tuyên truyền những chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước; thông tin nhanh, chính xác các sự kiện trong nước cũng như quốc tế; đấu tranh hiệu quả với những luận điệu, quan điểm sai trái, phản động của các thế lực thù địch; biểu dương gương người tốt, việc tốt; đấu tranh kiên quyết với các biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, “tự diễn biến", "tự chuyển hóa” hay suy thoái về tư tưởng chính trị...
Trong giai đoạn hiện nay, báo chí cách mạng Việt Nam càng phải thể hiện tốt hơn trách nhiệm đối với xã hội và phải đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc lên hàng đầu. Muốn vậy, nhà báo cần làm ra những sản phẩm báo chí bằng cái tâm và cái tầm của mình, có ý nghĩa đối với cuộc sống, phản ánh các vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội theo cách làm cho xã hội tốt đẹp lên. Báo chí góp phần làm cho xã hội tốt đẹp hơn, cũng là làm đẹp cho chính mình đối với xã hội.
Chúng ta luôn khao khát và phấn đấu để có một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Tuy nhiên, hiện còn những tờ báo, nhà báo vẫn chạy theo dư luận, chạy theo mạng xã hội, hay bị cám dỗ bởi những điều kiện vật chất, danh vọng, tình cảm tầm thường mà làm mất đi vị trí, vai trò và danh dự của mình. Từ đó cũng làm giảm chức năng, nhiệm vụ và tính nhân văn của báo chí cách mạng.
Trong thư gửi các đại biểu tham dự hội nghị gặp mặt, tuyên dương người làm báo tiêu biểu, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định, các nhà báo luôn đi đầu trên mặt trận đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc cũng như bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ; tích cực đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; phê phán những biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống trong xã hội... Đó là những điều cần phải được phát huy nhiều hơn nữa trong thời gian tới.
Trên thực tế, khi báo chí đi về phía nhân dân sẽ được nhân dân tin yêu. Báo chí có trách nhiệm cao đối với xã hội, sẽ góp phần làm cho xã hội phát triển. Bên cạnh đó, xã hội cũng cần có trách nhiệm đối với nhà báo. Đó là sự đồng tình, ủng hộ và chia sẻ với những thông tin đúng đắn, chân thực (nhất là những tác phẩm báo chí đấu tranh chống tiêu cực, phản bác các luận điệu chống phá cách mạng nước ta của các thế lực thù địch). Đó là bảo vệ cơ quan báo chí và nhà báo khi hoạt động đúng pháp luật. Có như vậy báo chí mới phát triển đúng hướng, góp phần tích cực vào quá trình phát triển và hội nhập của đất nước.
LÊ PHI HÙNG