Cứ đà này thì sớm muộn gì những buổi sinh hoạt sẽ rơi vào hình thức, mất đi tính chiến đấu trong chi bộ.
Tiếng thở dài của bác tôi không phải là chuyện hiếm!
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhiều lần căn dặn:“Để lãnh đạo cách mạng, Đảng phải mạnh. Đảng mạnh là do chi bộ tốt. Chi bộ tốt là do các đảng viên đều tốt”. Tính chiến đấu cùng với tính lãnh đạo, tính giáo dục là một trong những yêu cầu rất cơ bản để xây dựng chi bộ tốt. Tính chiến đấu trong sinh hoạt chi bộ được thể hiện ở bản lĩnh chính trị, sự kiên định vững vàng của chi bộ trong chấp hành nghiêm các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; khả năng nhìn thẳng vào sự thật, chỉ rõ và khắc phục những hạn chế, khuyết điểm còn tồn tại ở chi bộ; dám bảo vệ cái đúng, ủng hộ cái tiến bộ đối với sự nghiệp đổi mới đất nước; giữ nghiêm kỷ luật Đảng, chấp hành nghiêm các nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt đảng...
 |
Chi bộ Đại đội 3 (Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 28, Sư đoàn 10, Quân đoàn 3) sinh hoạt ra nghị quyết lãnh đạo. Ảnh minh họa / qdnd.vn |
Thực tiễn, có không ít chi bộ hiện nay rơi vào tình trạng thiếu sức chiến đấu, chưa phát huy được trí tuệ tập thể, sự thống nhất về ý chí và hành động để lãnh đạo, tổ chức thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị được giao. Tình trạng độc thoại, đoàn kết xuôi chiều vẫn còn diễn ra. Nhiều đảng viên ngại phát biểu vì sợ va chạm, mất lòng mọi người; hoặc không muốn phát biểu vì ý kiến trong những kỳ sinh hoạt trước không được tôn trọng, không được giải quyết thỏa đáng... Phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 5, khóa XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: "... Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của không ít tổ chức cơ sở đảng còn yếu, thậm chí mất sức chiến đấu; chưa đủ sức phát hiện, giải quyết những vấn đề phức tạp xẩy ra ở cơ sở,... Không ít cán bộ, đảng viên bản lĩnh chính trị chưa vững vàng; vai trò tiên phong, gương mẫu còn hạn chế; tinh thần đấu tranh tự phê bình và phê bình còn yếu...".
Để nâng cao tính chiến đấu của chi bộ thông qua các buổi sinh hoạt, trước hết, đồng chí bí thư và từng đồng chí trong cấp ủy phải chuẩn bị thật kỹ nội dung các buổi sinh hoạt. Trong đó, dự thảo nghị quyết lãnh đạo hằng tháng, hằng quý hay nghị quyết chuyên đề phải thể hiện rõ tính chiến đấu với việc triển khai, cụ thể hóa các nghị quyết, kết luận của cấp trên sát với đặc điểm, tình hình của đơn vị mình; phải "điểm cho rõ việc, rõ người" những yếu kém, tồn tại trong thời gian qua và đề xuất giải pháp khắc phục. Từng cấp ủy tích cực nghiên cứu, đổi mới phương pháp duy trì sinh hoạt chi bộ, gợi mở các vấn đề để khuyến khích đảng viên trong chi bộ tham gia đóng góp ý kiến.
Từng đảng viên trong chi bộ cần nêu cao “tính chiến đấu” bằng tinh thần đóng góp ý kiến vì cái chung; tránh tình trạng “thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh”; thiếu tính phản biện đối với những ý kiến của cấp trên và đồng đội mình.
Đối với những cán bộ cấp trên-người đi "truyền lửa” được phân công theo dõi, giúp đỡ tổ chức cơ sở đảng thì nhất định phải có "lửa" trong lòng để khi dự sinh hoạt chi bộ nơi cơ quan, đơn vị mình phụ trách, vừa trực tiếp lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của đảng viên, vừa chỉ đạo kịp thời để tháo gỡ khó khăn và các vấn đề phát sinh ở cơ sở.
Làm được như vậy thì tính chiến đấu trong sinh hoạt chi bộ sẽ có bước chuyển biến, tiến bộ mới, thực chất, mạnh mẽ và hiệu quả hơn. Từ đó, chất lượng, sức mạnh và tính chiến đấu của từng tổ chức cơ sở đảng sẽ mạnh lên, góp phần xây dựng Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh để lãnh đạo cách mạng nước ta tiếp tục gặt hái những thành công mới trên con đường phát triển.
DUY THÀNH