QĐND - Sáng thứ hai (ngày 1-6), nhiều cơ quan, đơn vị, trường học, doanh nghiệp… trên địa bàn TP Hà Nội đồng loạt tổ chức chào cờ và hát Quốc ca. Đây là hoạt động có ý nghĩa giáo dục sâu sắc về lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc… được truyền tải và triển khai thực hiện theo Văn bản số 2240 của Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, về thực hiện nghi lễ chào cờ trong sinh hoạt tập thể, tổ chức các hội nghị và sự kiện quan trọng trên địa bàn thành phố từ 1-6-2015.
Thời gian qua, việc thực hiện Nghị định 145/2013/NĐ-CP của Chính phủ về tổ chức các ngày kỷ niệm (trong đó quy định đại biểu, người tham dự lễ chào cờ phải hát Quốc ca) trên địa bàn TP Hà Nội đã có chuyển biến nhất định. Tuy nhiên, ở một số nơi khi thực hiện nghi thức chào cờ chỉ sử dụng bài Quốc ca được ghi âm sẵn; đại biểu, người tham dự lễ không hát, hoặc hát sai nhạc và lời. Từ thực tế trên, tại Văn bản số 2240, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội trên địa bàn thành phố chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra tại các cơ quan, đơn vị trong hệ thống thực hiện nghiêm việc hát Quốc ca trong lễ chào cờ theo quy định; hát Quốc ca và Quốc tế ca khi tiến hành nghi thức chào cờ trong sinh hoạt của Đảng… Các trường phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên, đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và các cơ sở giáo dục-đào tạo khác, trong lễ chào cờ đầu tuần và các buổi lễ kỷ niệm, toàn thể giáo viên, cán bộ, nhân viên và học sinh, sinh viên thực hiện hát Quốc ca; khuyến khích các cơ quan, đơn vị căn cứ điều kiện thực tế, tổ chức nghi thức chào cờ vào sáng thứ hai hằng tuần…
 |
Học sinh Trường Tiểu học Hồng Thái, TP Yên Bái trong lễ chào cờ. Ảnh: Dân trí
|
Chào cờ Tổ quốc, hát Quốc ca là những nghi lễ thiêng liêng, thể hiện niềm tự hào dân tộc, tình yêu, trách nhiệm với Tổ quốc, với nhân dân, đồng thời giáo dục lý tưởng cách mạng cho cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và lãnh tụ Hồ Chí Minh, dưới lá cờ đỏ sao vàng, nhân dân ta đã đoàn kết một lòng, không tiếc máu xương giành độc lập, tự do cho dân tộc. Đất nước ta từ một xứ thuộc địa, không có tên trên bản đồ thế giới, trở thành một nước độc lập; nhân dân ta, từ thân phận nô lệ trở thành người dân độc lập, tự do, làm chủ nước nhà. Trải qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, lá cờ đỏ sao vàng đã thấm đẫm máu đào của bao thế hệ người Việt Nam, với khát vọng và quyết tâm sắt đá: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”.
Chào cờ, hát Quốc ca còn thể hiện ý thức tự trọng, tinh thần độc lập, tự chủ, đoàn kết gắn bó của mỗi quốc gia, dân tộc, niềm tự hào và trách nhiệm của mỗi công dân đối với Tổ quốc, nhân dân. Để việc hát Quốc ca khi tiến hành nghi thức chào cờ được triển khai nghiêm túc, đi vào nền nếp, các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, các cơ quan thông tin đại chúng… cần tuyên truyền sâu rộng, nhằm nâng cao nhận thức, cổ vũ, động viên, giáo dục ý nghĩa thiêng liêng của việc chào cờ, hát Quốc ca. Cần tổ chức cho cán bộ, đảng viên, hội viên, học sinh, sinh viên, quần chúng nhân dân… học hát Quốc ca đúng lời và nhạc, để Quốc ca thực sự vang lên hùng tráng, đều, mạnh từ trái tim mỗi người, với niềm tự hào, kiêu hãnh, cùng trách nhiệm công dân với Tổ quốc, với nhân dân. Hát Quốc ca trong lễ chào cờ theo quy định cần được tiếp tục quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm túc ở các cơ quan, đơn vị, nhà trường, địa phương trong toàn quốc.
PHẠM QUÂN