Lời kêu gọi đó vẫn luôn đầy tính hiện thực, thúc giục tinh thần thi đua, nỗ lực phấn đấu của mỗi người dân Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trong bài phát biểu tại Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Bác Hồ ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua. Người coi thi đua là một phẩm chất đạo đức, thể hiện lòng yêu nước của người Việt Nam, thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua và những người thi đua là những người yêu nước nhất. Thực hiện lời kêu gọi của Bác, trong các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, nhiều phong trào thi đua (PTTĐ) của quân và dân ta đã mang lại hiệu quả rất to lớn, thiết thực, thể hiện tinh thần vì nước, vì dân sâu sắc. Các PTTĐ như: “Diệt giặc đói”, "Diệt giặc dốt”, “Diệt giặc ngoại xâm”, hay “Ba sẵn sàng”, “Ba đảm đang”, “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”... đã góp phần tạo nên sức mạnh vô địch để chúng ta xây dựng hậu phương vững chắc, chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược và đi đến thắng lợi cuối cùng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh hỏi chuyện em Trần Thị Thanh, 15 tuổi, đại biểu nhỏ tuổi nhất tham dự Đại hội Anh hùng chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc lần thứ nhất, ngày 1-5-1952, tại Tuyên Quang. Ảnh minh họa:qdnd.vn

Thấm nhuần tư tưởng về thi đua yêu nước của Bác Hồ, Đảng, Nhà nước, quân và dân ta luôn hướng các PTTĐ vào thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ trọng tâm: Xây dựng và chỉnh đốn Đảng, đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng và củng cố quốc phòng, an ninh, tích cực và chủ động hội nhập quốc tế… Các PTTĐ đã khơi dậy ý thức trách nhiệm và tinh thần cống hiến của mỗi người, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, tinh thần tự tôn dân tộc và đạt được những mục tiêu, kết quả đáng phấn khởi. Khí thế thi đua luôn có sức lan tỏa rộng khắp, huy động được nhiều nguồn lực xã hội tham gia lao động sản xuất giỏi; xây dựng các doanh nghiệp phát triển; xây dựng các đô thị hiện đại, các vùng nông thôn mới; xây dựng LLVT vững mạnh; giáo dục, đào tạo và chăm lo sức khỏe ngày càng tốt cho nhân dân; giúp đỡ người nghèo v.v..   

Ngày nay, trong sự nghiệp CNH, HĐH đất nước và hội nhập quốc tế, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, tinh thần thi đua ái quốc lại càng cần được phát huy mạnh mẽ. Điều mà chúng ta quan tâm hơn là các PTTĐ cần phải đi vào những hoạt động cụ thể, mang lại hiệu quả và thực chất, chứ không chỉ ở việc tuyên truyền, cổ động chung chung, hay “chạy” theo thành tích đơn thuần. PTTĐ phải hướng vào các nhiệm vụ trọng tâm, những khâu đột phá, như: Xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương; phòng, chống tham nhũng, lãng phí; thi đua để có nhiều phát minh, sáng chế phát triển đất nước và hội nhập quốc tế; thi đua bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN…

Để PTTĐ ngày càng phát huy hiệu quả, chúng ta cần xây dựng và nhân lên nhiều tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến; biểu dương, khen thưởng kịp thời những nhân tố mới trên cơ sở khách quan, minh bạch và công bằng; lấy cái tốt, cái đẹp để dẹp cái xấu. Các cấp, các ngành và mỗi chúng ta cần làm cho ý thức, khí thế thi đua luôn thường trực trong mỗi con người, để ai ai cũng phải nỗ lực phấn đấu trong từng suy nghĩ, việc làm của mình. Có như vậy, mới góp phần cho các hoạt động thi đua được thường xuyên, liên tục và mang lại hiệu quả cao. Tất cả để hướng tới mục tiêu: Thi đua là góp phần tích cực xây dựng đất nước vững mạnh, Tổ quốc trường tồn và xây dựng con người Việt Nam ngày càng phát triển.  

 LÊ PHI HÙNG