Tuy nhiên, thực tế việc thu hút vốn xã hội hóa cho hạ tầng giao thông không phải lúc nào cũng "xuôi chèo mát mái". Đã có những dự án phải chuyển từ phương thức PPP sang đầu tư công do không có nhà đầu tư nào mặn mà tham gia, có thể kể đến như một số dự án thành phần trên tuyến đường cao tốc Bắc-Nam phía Đông. Nguyên nhân trước hết là do tổng mức đầu tư của dự án hạ tầng giao thông thường rất lớn, đòi hòi huy động nguồn vốn lớn, trong khi thời gian hoàn vốn thường kéo dài.

Ví dụ như với dự án đường cao tốc Gia Nghĩa-Chơn Thành, tổng mức đầu tư khoảng 25.540 tỷ đồng, trong đó, vốn Nhà nước và nhà đầu tư mỗi bên tham gia 50%, khoảng 12.770 tỷ đồng. Nếu thời gian thu phí hoàn vốn quá dài sẽ khó để nhà đầu tư vay được vốn tín dụng cũng như huy động các nguồn vốn khác cho dự án. Chưa kể có những rủi ro có thể phát sinh trong quá trình thu phí như việc xây dựng thêm các tuyến đường song song khiến lưu lượng phương tiện bị chia sẻ, ảnh hưởng đến phương án tài chính của dự án.

leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa: Tuoitre.vn

 Để thực hiện chủ trương lấy đầu tư công dẫn dắt, thu hút các nguồn lực xã hội, cần thiết tháo gỡ ách tắc, tăng sức hấp dẫn của dự án PPP giao thông, kịp thời bổ sung nguồn vốn cho hạ tầng cơ sở, nhất là với các dự án quan trọng, cấp bách. Trong đó, sự tham gia của Nhà nước tại các dự án PPP là chìa khóa để bảo đảm tính khả thi, tạo niềm tin cho nhà đầu tư. Hiện nay, Quốc hội đã cho phép thí điểm với một số dự án giao thông, phần vốn tham gia của Nhà nước không quá 70%, cao hơn so với quy định hiện hành (không quá 50% tổng mức đầu tư). Đây là những dự án có vai trò, ý nghĩa quan trọng về kết nối liên vùng nhưng lưu lượng phương tiện còn hạn chế, vì vậy cần có thêm sự hỗ trợ của Nhà nước.

Qua quá trình thí điểm, cần luật hóa quy định về mở rộng tỷ lệ vốn Nhà nước tại dự án PPP. Trong đó, cần có các tiêu chí cụ thể để xác định tỷ lệ vốn Nhà nước, với những dự án thuận lợi trong thu hồi vốn, Nhà nước có khi chỉ cần tham gia 10-20% tổng mức đầu tư. Ngược lại, với dự án khó khăn, tỷ lệ này nên được mở rộng tối đa. Điều này giúp thời gian thu phí không quá dài, mức phí hợp lý, phù hợp với chi trả của người dân và chi phí của xã hội.

Bên cạnh đó, có thể nghiên cứu thêm cơ chế lập dự án đường cao tốc gắn liền với khai thác quỹ đất có được sau khi hình thành tuyến đường. Cơ chế này vừa tận dụng tối đa nguồn lực thông qua đấu thầu, đấu giá công khai, minh bạch quyền sử dụng đất, vừa giảm mức phí, rút ngắn thời gian so với phương án hoàn vốn chỉ dựa vào nguồn thu phí. Với các hình thức thu hút đầu tư hợp lý, hiệu quả, hứa hẹn sẽ có thêm những công trình, tuyến đường huyết mạch, thúc đẩy giao thương, nâng cao chất lượng đời sống người dân.

ĐỖ MẠNH HƯNG

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Cùng bàn luận xem các tin, bài liên quan.