Không phải đến mùa lũ năm nay mới có tình trạng sạt lở, xâm thực, mà đó là hệ quả của biến đổi khí hậu (BĐKH) diễn ra từ nhiều năm nay và ngày càng diễn biến phức tạp. Theo thống kê của Tổng cục Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), từ năm 2010 đến nay, tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã xảy ra 562 điểm sạt lở, với tổng chiều dài gần 800km, trong đó 55 điểm đặc biệt nguy hiểm với tổng chiều dài 173km và 140 điểm ở mức nguy hiểm với tổng chiều dài 97km. Sạt lở bờ biển, sông, kênh, rạch xảy ra trên diện rộng ở khắp 13 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL. Nhiều khu, tuyến dân cư hai bên bờ sông, kênh, rạch đã vĩnh viễn biến mất. Bên cạnh thiệt hại to lớn về tài sản, tình trạng sạt lở còn gây thiệt hại về tính mạng con người ở nhiều địa phương…

Ảnh minh họa. TTXVN.

Không chỉ Nam Bộ, tình trạng sạt lở bờ sông khiến nhiều ngôi nhà, công trình xây dựng bị nhấn chìm ở một số tỉnh miền núi phía Bắc và miền Trung do ảnh hưởng của mưa lũ vừa qua đã cho thấy mức độ nguy hiểm khi sinh sống cạnh bờ sông, suối.

“Nhất cận thị, nhị cận giang, tam cận lộ” (thứ nhất gần chợ, thứ hai gần sông, thứ ba gần đường)-câu thành ngữ của người xưa thể hiện nét đặc trưng của phong tục tập quán người dân Nam Bộ và nhiều vùng, miền có sông, rạch. Với đặc thù địa hình sông nước, từ hàng trăm năm nay, người dân các địa phương Nam Bộ luôn chọn những dải đất dọc hai bên bờ sông, kênh, rạch để dựng nhà sinh sống, thuận tiện giao thông, giao thương. Hình ảnh những căn nhà sàn lợp lá dừa nước, dựng bằng cột cây tràm nằm san sát hai bên bờ các tuyến sông, kênh, rạch tấp nập ghe, xuồng là nét đẹp đặc trưng của văn hóa Nam Bộ gắn với lịch sử khai khẩn, phát triển xã hội. Ngày nay, những căn nhà lá được bê tông hóa, mạng lưới giao thông đường bộ ngày càng phát triển, nhưng tập quán sinh sống kiểu "trên sàn dưới ghe" của người dân Nam Bộ vẫn không thay đổi.

Rõ ràng, đời sống xã hội hiện đại và sự ảnh hưởng gay gắt của quá trình BĐKH buộc con người phải thay đổi tư duy để thích ứng. Tập quán sống cạnh bờ sông, kênh, rạch không còn phù hợp, nhất là ở những khu vực có nguy cơ sạt lở cao. Những năm qua, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, các địa phương ĐBSCL được đầu tư kinh phí, kêu gọi các nguồn lực xã hội xây dựng hệ thống cụm, tuyến dân cư tránh lũ. Những công trình này đều được quy hoạch, bố trí ở khu vực an toàn, cách xa các tuyến sông, kênh, rạch. Đây là bước đột phá mạnh mẽ và hiệu quả giúp người dân ĐBSCL thay đổi tập quán, thích ứng với BĐKH, phát triển đời sống.

Để hạn chế thiệt hại, giảm các nguy cơ do sạt lở gây ra, cần có quy hoạch tổng thể dài hạn về bảo vệ an toàn vành đai các tuyến sông, kênh, rạch và bờ biển.

Thay đổi một tập quán đã ăn sâu vào nếp sống của người dân là việc không dễ. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, ổn định thì không thể không thay đổi. Bên cạnh các giải pháp tổng thể, vĩ mô của Chính phủ về điều chỉnh quy hoạch, xây dựng hệ thống công trình chống sạt lở, chuyển đổi cơ cấu sản xuất theo hướng thích ứng BĐKH, rất cần những chiến dịch truyền thông thiết thực và hiệu quả để tác động vào tâm lý, thay đổi thói quen, đổi mới tư duy của người dân. Các địa phương không để người dân tùy tiện dựng nhà ven sông, kênh, rạch, vừa tiềm ẩn nguy cơ rủi ro, vừa thiệt hại nặng nề về kinh tế khi xảy ra sạt lở. Trên “phát”, dưới phải “động” thì chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước mới phát huy hiệu quả.

PHAN TÙNG SƠN