Thông tin từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong năm 2016, số doanh nghiệp thành lập mới tăng kỷ lục, 110.100 doanh nghiệp, tăng 16,2% và số vốn tăng gần 50% so với cùng kỳ năm trước. Có được con số ấn tượng này là nhờ Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách thuận lợi để thúc đẩy phong trào khởi nghiệp phát triển sâu rộng trong xã hội.

Tuy vậy, có một lực lượng rất quan trọng đáng ra phải được quan tâm “đánh thức” khởi nghiệp từ lâu, nhưng số lượng tham gia khởi nghiệp hiện nay còn rất mỏng. Đó là sinh viên các trường đại học, cao đẳng trong cả nước. Theo báo cáo của 235 trường đại học, cao đẳng, đến nay mới có 50 trường (chiếm khoảng 21%) có trung tâm hướng nghiệp, tư vấn việc làm, hỗ trợ sinh viên trong quan hệ với doanh nghiệp. Thế nhưng, số trung tâm này hoạt động gặp không ít khó khăn, hầu hết các khóa đào tạo sinh viên khởi nghiệp chủ yếu là ngắn hạn, nội dung đào tạo còn dàn trải, chưa có chiều sâu, thiếu gắn kết với thị trường. Trong khi đó, các trường đại học, cao đẳng hầu như chưa đưa kiến thức khởi nghiệp vào chương trình đào tạo và việc phối hợp giữa nhà trường với các doanh nghiệp chủ yếu mang tính hình thức. Nên nhớ, trong năm 2016 có tới 225.000 cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp có một phần nguyên nhân từ việc các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng chưa chú trọng trang bị kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp cho sinh viên.

leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa.

 

Hiện nước ta có khoảng 2,6 triệu sinh viên đang theo học tại các trường đại học, cao đẳng. Đây là đội ngũ trí thức trẻ và lực lượng lao động có trình độ, tay nghề cao trong tương lai. Theo đánh giá của các chuyên gia, nhìn một cách tổng thể, hiện nay, nước ta chưa có hệ sinh thái khởi nghiệp thực sự bởi đội ngũ sinh viên các trường đại học, cao đẳng tham gia không nhiều, trong khi đây chính là đội ngũ năng động và có tiềm năng sáng tạo cao nhất. Vì vậy, muốn thúc đẩy phong trào khởi nghiệp tiếp tục phát triển mạnh mẽ và hiệu quả hơn nữa thì không thể không khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để thu hút sinh viên tham gia khởi nghiệp.

Được biết, Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa xây dựng Đề án “Hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2025”, với mục tiêu đặt ra là 100% các trường đại học, cao đẳng triển khai công tác hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp; xây dựng hệ thống hạ tầng hỗ trợ cho hoạt động khởi nghiệp tại các trường; thành lập "Quỹ hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp" cấp Bộ và cấp trường.

Trong khi nhiều quốc gia trên thế giới đã thúc đẩy phong trào khởi nghiệp của sinh viên cách đây vài chục năm, thì việc Bộ Giáo dục và Đào tạo bây giờ mới khởi động phong trào này là hơi muộn. Nhưng dẫu muộn còn hơn không. Mong muốn có “bà đỡ” khởi nghiệp để sau khi ra trường có việc làm, nghề nghiệp ổn định cũng như được cống hiến tài năng, trí tuệ, sức lực để góp phần làm giàu cho bản thân, gia đình, xã hội là nhu cầu thiết thân và khát vọng chính đáng của đại đa số sinh viên. Vì vậy, việc làm cần kíp hiện nay là ngành giáo dục và các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng sớm hoàn thiện chương trình, nội dung trang bị kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp cho sinh viên; tăng cường kết nối với các doanh nghiệp, doanh nhân, nhà khoa học để định hướng, hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp bằng những ý tưởng, chương trình, đề án, sáng kiến, giải pháp công nghệ phù hợp với từng ngành, chuyên ngành đào tạo của sinh viên. Có một thực tế là hầu hết sinh viên chỉ với hai bàn tay trắng. Do đó, ngoài phần ngân sách nhà nước hỗ trợ, cần kêu gọi, huy động các nguồn lực xã hội hóa để sớm đưa “Quỹ hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp” đi vào hoạt động nhằm giúp sinh viên có nguồn tài chính cần thiết, tạo điều kiện cho họ có thể biến những ý tưởng, chương trình khởi nghiệp của mình thành hiện thực.

THIỆN VĂN