Đây là vấn đề nguy hiểm bởi hậu quả những vụ TNGT như thế thường rất thảm khốc. Trước thực trạng trên, các cơ quan chức năng đã có nhiều biện pháp được áp dụng để ngăn ngừa, hạn chế, tuy nhiên TNGT vẫn diễn biến phức tạp. Nhiều ý kiến cho rằng, chế tài xử phạt đối với người điều khiển phương tiện sử dụng chất kích thích gây tai nạn còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe.
 |
Lực lượng chức năng tích cực kiểm tra nhằm ngăn chặn lái xe sử dụng chất kích thích khi tham gia giao thông. Ảnh: hanoimoi.com.vn |
Những nghiên cứu tội phạm học về vấn đề TNGT chỉ ra có tình trạng một số lái xe, nhất là lái xe đường dài (container, xe tải, xe khách), thường sử dụng chất kích thích để duy trì sự tỉnh táo mà không hiểu về hậu quả; hay có tình trạng lái xe không e ngại gây tai nạn bởi họ đã được chủ xe lo và bảo hiểm chi trả. Đặc biệt nguy hiểm khi có những suy nghĩ rằng gây tai nạn “cứ đền tiền là xong”. Tình trạng lái xe sử dụng chất kích thích khi bị kiểm tra sẵn sàng chống đối, thậm chí có hành vi côn đồ đối với người thi hành công vụ vẫn xảy ra. Có lẽ chính những chế tài xử phạt chưa đủ mạnh, chưa đủ răn đe khiến nhiều lái xe coi thường pháp luật.
Ở nhiều nước, hành vi lái xe có sử dụng rượu, bia, ma túy sẽ bị truy tố hình sự. Việc này được áp dụng ngay khi kiểm tra phát hiện chứ không phải chỉ đến khi người điều khiển phương tiện gây tai nạn. Đây cũng là vấn đề chúng ta có thể nghiên cứu. Luật Giao thông đường bộ cấm người điều khiển phương tiện sử dụng rượu, bia và chất kích thích. Khi gây TNGT, nếu người điều khiển phương tiện có sử dụng rượu, bia và chất kích thích khác thì đây là tình tiết tăng nặng; nếu gây tai nạn nghiêm trọng sẽ bị xử lý hình sự theo các bộ luật liên quan. Dù vậy, nếu người điều khiển chưa gây tai nạn thì chỉ bị xử phạt hành chính. Điều này chưa đủ sức răn đe.
Để hạn chế tối đa các vụ TNGT do lái xe dùng chất kích thích gây ra, vấn đề quan trọng hiện nay là phải xây dựng được chế tài xử phạt phù hợp, để người điều khiển phương tiện không dám vi phạm và tự giác chấp hành. Cần nâng mức phạt với lái xe sử dụng bia, rượu, ma túy là ý kiến được nhiều người tán đồng. Những mức phạt khác đề cập tới như ngoài phạt tiền còn có cả phạt tù; ngoài tước bằng lái còn yêu cầu họ phải học lại, thi lại mới được cấp bằng; tịch thu xe, buộc lao động công ích… Những biện pháp bắt buộc trên sẽ tác động mạnh đến ý thức người điều khiển phương tiện giao thông.
Song song với nâng chế tài xử phạt lái xe dùng chất kích thích, điều quan trọng nữa là phải xây dựng ý thức, tạo sự chuyển biến từ nhận thức đến hành động của mỗi người khi điều khiển phương tiện giao thông. Điều này cần được giáo dục nghiêm khắc từ ngay trong mỗi gia đình, từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Các cơ sở đào tạo lái xe phải chú trọng chất lượng, không vì lợi nhuận mà buông lỏng quản lý người học. Bởi chính sự buông lỏng này khiến chất lượng đào tạo lái xe không tốt, không học thực chất, không nắm được luật giao thông cũng như pháp luật nói chung.
Đối với các cơ quan xây dựng và thực thi luật pháp, việc áp dụng chế tài ở mức nào, chế tài gì cần sự nghiên cứu thấu đáo, xây dựng phù hợp với điều kiện ở nước ta. Tình trạng lái xe sử dụng rượu, bia, ma túy gây TNGT đang là vấn đề nhức nhối. Dư luận rất chờ đợi một giải pháp có sức răn đe, tạo chuyển biến thực sự về ý thức và hành động để ngăn chặn, tiến tới chấm dứt tình trạng này.
NGUYỄN TUẤN