leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa. Nguồn: dantri.com.vn
Những câu chuyện về người nông dân phải chặt táo, chặt chuối cho bò ăn; thanh long, hành tím, dưa hấu chất đống ngoài ruộng đến thối nhũn mà chẳng ai đoái hoài liên tục xảy ra, cuốn nông dân vào những “cơn bão” khủng hoảng thị trường gây thiệt hại nặng nề. Trong khi đó, cách vùng sản xuất không xa, ngay trong thị trường nội địa, người tiêu dùng vẫn phải mua những sản phẩm ấy với giá không hề rẻ. Cuối cùng, những “cơn bão” càn quét nông dân chỉ lắng dịu khi cả xã hội lên tiếng, vào cuộc “giải cứu”.

Giờ đây, những người chăn nuôi lợn lại lâm vào cảnh lao đao khi giá thịt lợn hơi bán ra chỉ bằng nửa giá thành chăn nuôi; trong khi người tiêu dùng vẫn phải mua thịt lợn thành phẩm với giá đắt đỏ, nếu so với giá thịt lợn hơi. Điều đó cho thấy, thị trường bán lẻ nông sản của Việt Nam đang có vấn đề rất lớn khi những quy luật khách quan của thị trường không hề có tác dụng trong điều tiết thị trường. Phải chăng, đã có những tổ chức, cá nhân lợi dụng thông tin bất lợi để ép giá nông dân, khiến nông dân đua nhau bán tháo lợn, giống như cách làm của một số tay “ép phe” trên thị trường chứng khoán?

Không phải không có cơ sở khi người viết nêu giả thuyết trên, bởi nếu theo đúng quy luật thị trường, khi giá thịt lợn hơi xuống thấp, giá thịt lợn thành phẩm cũng phải xuống theo nguyên tắc “nước nổi, bèo nổi”. Giá thịt lợn thành phẩm xuống thấp sẽ kích thích người tiêu dùng ưu tiên sử dụng sản phẩm thịt lợn nhiều hơn trong “giỏ” hàng hóa với những thực phẩm có thể thay thế cho nhau. Đó mới là sự “kích cầu” theo đúng quy luật. Những cuộc “giải cứu” mà cả xã hội chung tay trước đây với hành tím, thanh long, dưa hấu thực ra chỉ là một cách tự điều tiết theo kiểu “cực chẳng đã”, để thị trường hàng hóa nông sản Việt trở về đúng quỹ đạo của quy luật khách quan-những “đầu nậu” làm mưa làm gió trên thị trường buộc lòng phải tự điều chỉnh giá bán buôn, bán lẻ sản phẩm để cạnh tranh với những điểm bán hàng hóa “giải cứu” nông dân.

Khi những “đầu nậu” tự cho mình cái quyền đứng trên quy luật thị trường như vậy, hành vi của họ thể hiện rất rõ dấu hiệu thao túng thị trường để trục lợi bất chính. Hành vi ấy có thể xử lý bằng cách nào không? Đó là vấn đề các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc, làm rõ để xử lý, đồng thời đề xuất giải pháp bịt “lỗ hổng” pháp lý-nếu có. Như vậy mới có thể lành mạnh hóa thị trường hàng hóa nông sản nói riêng và thị trường Việt Nam nói chung.

Việt Nam cũng đã không còn là nền kinh tế kế hoạch hóa, tập trung, bao cấp. Nhưng nói như vậy không có nghĩa là các cơ quan quản lý nhà nước trong các lĩnh vực sản xuất hàng hóa-đặc biệt là ngành nông nghiệp-không có trách nhiệm gì với việc tổ chức nghiên cứu nhu cầu thị trường, từ đó đưa ra khuyến cáo phù hợp với các nhà sản xuất, các hộ nông dân và các vùng nuôi trồng, xa hơn là xây dựng quy hoạch vùng sản xuất phù hợp với nhu cầu thị trường.

Không chỉ có vậy, ở rất nhiều nơi, nông dân đang không dám giữ lợn nuôi nên đua nhau bán tháo cả lợn nhỏ, chỉ trên dưới 10 kg/con với cùng mức giá "bèo bọt" 150.000 đồng/con để làm lợn quay. Trước đây, giá mỗi con lợn như vậy được tính tiền triệu, nên không nhiều người mua cả con lợn về quay “ăn chơi” như bây giờ. Khi đàn lợn bị “giết” hàng loạt từ giai đoạn lợn giống như vậy rất có khả năng sẽ gây ra sự khan hiếm thịt lợn thành phẩm trong tương lai. Đối tượng chịu thiệt hại khi ấy vẫn là người chăn nuôi và người tiêu dùng. Đó là một bất hợp lý khác đang diễn ra trên thị trường thịt lợn Việt Nam, cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng để chấm dứt tình trạng và nguy cơ bất lợi có thể xảy ra.

Mọi sự bất hợp lý trong khâu tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm đều phải có nguồn cơn. Khi những bất hợp lý liên tục xảy ra, nghĩa là có vấn đề tồn tại rất lớn hoặc là do có "lỗ hổng" pháp lý, hoặc là do công tác quản lý. Một thị trường méo mó nếu không được xử lý kịp thời sẽ kéo tụt sự phát triển của các ngành sản xuất, khó tránh khỏi kéo theo sự tụt hậu cả về kinh tế và xã hội…

CHIẾN THẮNG