Hiến pháp-đạo luật cơ bản nhất của Nhà nước ta từ bản đầu tiên năm 1946 đến nay đều hiến định quyền được học hành là một trong những quyền cơ bản nhất của công dân.
Điều 39, Hiến pháp năm 2013 hiến định: “Công dân có quyền và nghĩa vụ học tập”.
Luật Giáo dục năm 2019 đã thể chế hóa vấn đề này. Theo đó, mọi công dân có quyền và nghĩa vụ học tập; bình đẳng về cơ hội học tập. Nhà nước thực hiện công bằng xã hội trong giáo dục, tạo môi trường giáo dục an toàn... Cần phải ghi nhận những kết quả tích cực mà ngành giáo dục và các địa phương đã cố gắng nhiều năm nay trong sự nghiệp “trồng người”, thực hiện quyền được học hành của công dân. Dù vậy, những kết quả đó vẫn chưa đáp ứng được mong muốn, kỳ vọng của xã hội.
 |
Ảnh minh họa / TTXVN |
Nhiều năm qua, chương trình học tập và thi cử thường xuyên thay đổi khiến phụ huynh và học sinh xoay như chong chóng; sự căng thẳng, lo lắng và bất an không hề bớt. Mục tiêu giảm tải chương trình học, nhẹ nhàng các kỳ thi chưa đạt được. Áp lực học chính khóa, học thêm và thi cử đè nặng khiến các em ít có thời gian vui chơi, giải trí; từ đó thiếu đi những kỹ năng cần thiết trong sinh hoạt, ứng xử. Hệ quả là đời sống tâm hồn, tình cảm phần nào khô khan; những mối quan hệ với người thân, họ hàng, làng xóm của các em dường như bị thui chột. Một sự đánh đổi quá mức!
Tình trạng thiếu trường công lập ở một số địa phương, nhất là các thành phố lớn diễn ra nhiều năm nay dẫn đến cạnh tranh vào lớp 10 vô cùng áp lực với học sinh. Trong khi đó, một số trường tư thục thu khoản “phí giữ chỗ” cao và có mức học phí không phải gia đình nào cũng có thể cho con theo học. Rõ ràng nếu môi trường giáo dục và chi phí giáo dục quá khác nhau sẽ phần nào tạo ra sự bất bình đẳng trong tiếp cận giáo dục.
Phát triển giáo dục dù theo cách thức nào đều phải đặt lên hàng đầu quyền được học hành công bằng, môi trường an toàn và nhân văn như hiến định trong Hiến pháp và quy định trong luật. Đó là mục tiêu, là thành quả cách mạng, cũng là bản chất tốt đẹp của chế độ ta.
NGUYỄN TUẤN
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Cùng bàn luận xem các tin, bài liên quan.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan để xây dựng Dự thảo Nghị quyết Quốc hội về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi theo quy trình rút gọn.
Cạnh tranh toàn cầu ngày càng gay gắt trong khi hệ thống giáo dục đại học hiện nay còn nhiều bất cập, đòi hỏi chúng ta phải nhanh chóng thay đổi. Trong bối cảnh đó, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch Mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.