Giải quyết vấn nạn tắc đường là một “hàm đa biến”: Hệ thống kết cấu hạ tầng, văn hóa, ý thức và kỹ năng của người tham gia giao thông, hệ thống luật pháp, hệ thống quản lý, điều khiển giao thông liên kết với các hệ thống hành chính khác. Trong bài viết này, chúng ta hãy thử bàn về các biến số cho ra kết quả “giảm lưu lượng giao thông” xem sao.

Giảm lưu lượng giao thông, nôm na là giảm lượng người và phương tiện tham gia giao thông. Giao thông là một nhu cầu thiết yếu nhưng liệu có cách nào đó làm giảm thiểu nhu cầu đi lại của người dân không?

Ảnh minh họa: baogiaothong.vn

Cách đây ít lâu, tôi đến trụ sở UBND phường X, TP Vinh, tỉnh Nghệ An để xin cấp lại giấy khai sinh cho con gái. Tôi đến trụ sở UBND phường vào buổi sáng, thì mới biết việc giải quyết giấy tờ, chứng thực v.v.., UBND phường làm việc vào các buổi chiều. Tôi đành về, chiều lại đến, nhân viên tư pháp lục sổ, phát hiện thông tin ghi trong sổ trích lục bị nhầm lẫn tên các địa danh. Nhân viên tư pháp yêu cầu tôi về làm đơn đề nghị chỉnh sửa. (Đấy là một sự vô lý: Nhân viên công quyền yêu cầu công dân làm đề nghị cơ quan nhà nước chỉnh sửa tài liệu của chính cơ quan nhà nước). Thêm một số rắc rối nữa, tôi phải đến trụ sở UBND phường X tận 4 lần mới làm được trích lục giấy khai sinh cho con gái. Thử tính xem: Từ nhà tôi đến trụ sở UBND phường 5km, 8 lượt, tôi đã phải di chuyển tổng cộng 40km cả đi lẫn về cho công việc hành chính đơn giản này. Có nghĩa là tôi đã chiếm dụng mặt đường công cộng, cùng chỗ đỗ xe bên lề đường trong nhiều giờ ở TP Vinh. Nếu thuận lợi, tôi chỉ cần đến một lần; hoặc nếu hay hơn cả, tôi có thể nhận được bản trích lục giấy khai sinh qua email được không? Hoặc, tốt hơn nữa, nhà trường nơi con tôi nhập học không yêu cầu nộp bản trích lục giấy khai sinh mà thay thế bằng cách thức nào đó? Hướng tới việc điện tử hóa quản lý lý lịch con người và liên thông về mặt giấy tờ hành chính giữa các cơ quan chức năng là một xu thế của thời đại. 

Có bao nhiêu trường hợp tương tự như tôi?

Một nền hành chính thông minh và giản tiện, hiện đại và khoa học sẽ ít yêu cầu công dân phải di chuyển để giải quyết các thủ tục hành chính đơn giản như vậy.

Cải cách hành chính là vấn đề tưởng xưa cũ nhưng thật ra thường trực trong mỗi biến chuyển, phát triển xã hội. Lợi ích của cải cách hành chính mang lại rất lớn và rộng khắp trong nhiều lĩnh vực, trong đó, có vấn đề giảm tắc nghẽn giao thông, bằng một cách gián tiếp là giảm lưu lượng giao thông.

Tương tự câu chuyện của cá nhân tôi kể trên, xét rộng ra trong nền kinh tế 4.0, logistics là một lĩnh vực đang được giới doanh nhân rất chú tâm. Đó là quá trình lên kế hoạch, áp dụng và kiểm soát phương tiện vận tải, các luồng chuyển dịch của hàng hóa hay thông tin liên quan tới nguyên nhiên liệu vật tư (đầu vào) và sản phẩm cuối cùng (đầu ra) từ điểm xuất phát tới điểm tiêu thụ. Rõ ràng, một quy trình logistics tốt, sẽ không bao giờ có chuyện phương tiện vận tải phải chạy rỗng một chiều, hàng hóa, nguyên liệu đi lòng vòng, lãng phí nhân lực, tài sản và góp phần làm nặng thêm tình trạng tắc nghẽn giao thông.

Hiện nay, dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp trên toàn cầu. Hạn chế tiếp xúc, cách ly xã hội đang được áp dụng ở nhiều nơi. Chúng ta đã nhận thấy nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và nhất là các trường học, cơ sở giáo dục-đào tạo... tổ chức hội họp, học hành, xử lý công việc trực tuyến thông qua các ứng dụng internet mang lại hiệu quả khá cao. Hiệu suất lao động ở một số đơn vị không những không bị suy giảm mà được giữ vững, thậm chí còn có tăng trưởng. Điều muốn nói ở đây là nhân lực tại các đơn vị này không phải di chuyển nhiều mà vẫn đạt được năng suất lao động, ít nhất là như trước đây.

Theo lý thuyết xác suất, giảm lưu lượng giao thông sẽ dẫn đến giảm tai nạn giao thông.

Giảm lưu lượng giao thông bằng các giải pháp quản trị xã hội thông minh là hoàn toàn khả thi, đang chờ đợi được hiện thực hóa trong đời sống của chúng ta, càng sớm càng tốt.

TRẦN HOÀI