Trong bối cảnh công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã và đang diễn ra quyết liệt, việc Ban Bí thư và Thủ tướng Chính phủ ban hành chỉ thị nghiêm cấm biếu, tặng quà Tết cho lãnh đạo các cấp dưới mọi hình thức có ý nghĩa rất thiết thực. Đó là một trong những biện pháp góp phần ngăn chặn tình trạng đưa và nhận hối lộ; ngăn ngừa tham ô, tham nhũng, tiêu cực...

Về bản chất, quà Tết và hành vi biếu, tặng quà không xấu. Nó là một phần của phong tục đón Tết từ khởi thủy và được duy trì khá tốt đẹp. Lời chúc Tết, gói quà Tết, đi thăm hỏi, tặng quà chúc Tết, lì xì... có truyền thống từ lâu đời.

leftcenterrightdel
Ảnh minh họa: TTXVN 

 

Nhưng quá trình vận động, phát triển, nét đẹp phong tục đã bị nhiều thành phần lợi dụng, biến tướng, trở thành môi trường cho một bộ phận không nhỏ công bộc, doanh nghiệp thực hiện động cơ không trong sáng. Ở đó, gói quà Tết không còn mang ý nghĩa tinh thần cao đẹp, không còn là hộp mứt, gói bánh, cành đào... Thay vào đó là phong bì, vàng, kim cương, thậm chí là cả vali chứa đầy tiền.

Tham nhũng, hối lộ, suy thoái đạo đức, lối sống, suy thoái tư tưởng chính trị... cũng từ những cái biến tướng ấy.

Các thế lực thù địch lợi dụng thúc đẩy “diễn biến hòa bình” cũng từ những biểu hiện suy thoái ấy.

Niềm tin của dân đối với Đảng bị xói mòn, các nguy cơ đe dọa sự tồn vong của chế độ... cũng từ những tệ nạn ấy.

Một phong tục văn hóa bị biến thành hành vi hối lộ, tham nhũng, xảy ra ở nhiều phân khúc đời sống xã hội, nhất là trong môi trường có lợi ích về kinh tế, chính trị. Một nét đẹp truyền thống bị bóp méo, bôi đen bởi chủ nghĩa cá nhân.

Thế nên phải cấm! 

Chỉ thị là văn bản pháp luật, có tính cưỡng chế. Ai vi phạm sẽ bị xử lý theo chế tài luật pháp và Điều lệ Đảng.

Nhưng, bởi hành vi ấy xuất phát từ một phong tục văn hóa, mà bản chất của hành vi văn hóa là rất khó định lượng. Quy định pháp luật chỉ đắc dụng với những con người tự giác, xuất phát từ cả hai phía: Người biếu (tặng) và người được biếu (tặng). Đó là mối quan hệ cầu-cung. Nghiêm cấm biếu, tặng quà Tết đồng thời cũng phải nghiêm cấm nhận quà. Khi nhu cầu nhận quà chưa triệt tiêu thì nguồn cung vẫn có trăm phương ngàn kế lách luật. Không đưa quà cho anh được thì đưa cho chị, biếu ông bà, lì xì cho cháu... 

Đó là những góc khuất của hành vi văn hóa, pháp luật rất khó can thiệp.

Thế nên, cùng với triển khai thực hiện chỉ thị, cần khơi dậy mạnh mẽ yếu tố đạo đức xã hội, văn minh trong Đảng và hệ thống chính trị. Cán bộ, người đứng đầu phải rõ trách nhiệm nêu gương, kiên quyết không tặng và cũng không nhận quà dưới mọi hình thức. Cấp ủy, tổ chức đảng các cấp trong hệ thống chính trị cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, quán triệt để có sự thống nhất cao về nhận thức.

Cần thấy rõ, nghiêm cấm biếu, tặng quà Tết là cách thức, giải pháp đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Để thực hiện nghiêm, cần có tinh thần “tiền hô hậu ủng, nhất hô bá ứng, trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt” như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã yêu cầu.

 PHAN TÙNG SƠN