PTDS là một nội dung trong phòng thủ quốc gia, bao gồm tổng thể các hoạt động (giải pháp) được chuẩn bị từ trước để khi có tình huống xảy ra, theo kế hoạch thống nhất, chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống, khắc phục hậu quả nhằm bảo đảm an toàn hoặc hạn chế thấp nhất mức độ thiệt hại về người và tài sản của Nhà nước và nhân dân.

Cụ thể hóa chủ trương trên, nhiều năm qua, cấp ủy, chính quyền các địa phương đã chú trọng tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ các cấp, các tổ chức và nhân dân trên địa bàn hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của PTDS nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm trong công tác phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai, dịch bệnh, thảm họa… Các địa phương đã ban hành đầy đủ văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, kế hoạch triển khai thực hiện, quyết định thành lập ban chỉ đạo, phân công nhiệm vụ cho từng thành viên, xây dụng kế hoạch PTDS theo đúng quy định; đồng thời huy động mọi nguồn lực xây dựng các công trình phòng tránh, trú... kịp thời ứng phó với các tình huống xảy ra trên địa bàn, hạn chế thấp nhất thiệt hại cả về người và tài sản. 

Diễn tập khu vực phòng thủ thành phố Hà Nội năm 2019. Ảnh: hanoimoi.com.vn

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác PTDS vẫn bộc lộ những hạn chế, bất cập cần khắc phục. Trước hết phải kể đến ý thức của một bộ phận cấp ủy, chính quyền địa phương, người đứng đầu cơ quan, tổ chức và nhân dân còn hạn chế, coi PTDS là nhiệm vụ của quân đội và công an. Vì thế, khi các địa phương, các ngành tổ chức diễn tập hoặc khi thiên tai, bão lũ, sự cố… xảy ra, nhiều cán bộ, đảng viên, nhân dân vẫn đứng ngoài cuộc. Do chưa thường xuyên rà soát, bổ sung kế hoạch, tổ chức luyện tập các phương án nên khi xử lý các tình huống xảy ra trên địa bàn, các cấp, các ngành, các lực lượng phối hợp thiếu nhịp nhàng, dẫn đến hiệu quả, chất lượng không đạt như mong muốn. Một số địa phương chưa quan tâm đầu tư xây dựng các công trình PTDS hoặc khi xây dựng chưa đáp ứng yêu cầu bảo đảm tính lưỡng dụng trong phát triển kinh tế-xã hội và sử dụng khi có tình huống xảy ra…

Để nhiệm vụ PTDS đạt hiệu quả, trước hết cấp ủy, chính quyền các cấp cần thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục cán bộ, đảng viên, công chức và quần chúng nhân dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng về PTDS. Muốn đạt được điều đó, mỗi cấp ủy, chính quyền các cấp phải chấp hành nghiêm nguyên tắc, cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; phát huy vai trò tham mưu của LLVT, các ban, bộ, ngành, đoàn thể về PTDS. Mặt khác, việc xây dựng hệ thống công trình phòng, chống thảm họa thiên tai, môi trường... cần được trù tính kỹ càng nhằm bảo đảm cả trước mắt và lâu dài, đáp ứng các yêu cầu “tích cực, chủ động, kịp thời phòng tránh, khắc phục hiệu quả”, lấy các biện pháp phòng ngừa là chính. Quá trình thực hiện nhiệm vụ PTDS phải phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân theo phương châm “4 tại chỗ”. Cùng với đó, việc thực hiện tốt các mặt công tác chuẩn bị, nhất là xây dựng kế hoạch từ trước và tổ chức huấn luyện, diễn tập chu đáo các phương án đã dự kiến phải được tiến hành nền nếp. Có như vậy, nhiệm vụ PTDS mới đạt được hiệu quả thiết thực, góp phần mỗi địa phương luôn giữ vững ổn định an ninh chính trị tạo điều kiện cho phát triển kinh tế-xã hội.

LÊ DUY HỒNG