Một bộ sách thường thức khoa học xã hội nhân văn do nhiều nhà nghiên cứu tên tuổi biên soạn với dung lượng ngắn gọn, khổ sách bỏ túi, giá rẻ, được kỳ vọng đáp ứng nhu cầu đại chúng. Nhưng khi đọc nội dung một vài cuốn sách, chúng tôi nhận thấy quá hàn lâm, cao siêu, khó đọc, khó hiểu. Tìm kiếm tư liệu đối chiếu thì nhận ra có cuốn sách thường thức thực chất rút gọn từ giáo trình chuyên ngành bậc đại học.
Với cách làm kể trên chỉ tạo ra sản phẩm “bình mới rượu cũ”, độc giả không có chuyên môn, nhất là giới trẻ, muốn tiếp cận tri thức thường thức sẽ cảm thấy như bị đánh đố. Đồng thời, bộ sách cũng không đạt được mục tiêu đề ra là phổ cập tri thức.
 |
Ảnh minh họa: Vnexpress |
Chỉ những người trong cuộc mới hiểu vì sao lại biên soạn dạng sách thường thức kiểu “kính nhi viễn chi” kể trên. Có lẽ không có “lợi ích nhóm” ở đây vì lợi nhuận từ những cuốn sách dạng bỏ túi không đáng là bao. Vấn đề nằm ở định hướng và triển khai biên soạn ngay từ đầu đã không đúng, không trúng. Sách thường thức nghĩa là biên soạn dễ hiểu, phù hợp với quá trình tiếp nhận tri thức của con người vốn đi từ thấp đến cao.
Tác giả loại sách này thực sự phải có biệt tài biến những điều phức tạp được diễn đạt bằng các khái niệm, phạm trù thành tri thức dễ hiểu, gắn với câu chuyện thực tiễn đời sống. Ngoài ra, lối viết còn phải hấp dẫn, lôi cuốn để thu hút công chúng quan tâm. Thậm chí, có những bộ sách triết học ở Đức đặt mục tiêu mỗi cuốn phải trình bày tư tưởng của một triết gia mà độc giả chỉ mất 60 phút để đọc. Điều này có nghĩa biên soạn sách thường thức không dễ như lầm tưởng của nhiều người chỉ là rút gọn nội dung.
Ở nước ta hiện nay sách thường thức không có nhiều, nhất là thiếu vắng ấn phẩm đi sâu vào đề tài đặc thù mà đại đa số người Việt Nam quan tâm như: Chính trị, văn hóa, lịch sử, phong tục, địa lý, biển, đảo... Một số ngành học đại học, các công trình, giáo trình được soạn đầy đủ, chất lượng tốt nhưng sinh viên vẫn thấy khó hiểu chứ đừng nói đến người ngoại đạo.
Lý do là khoảng cách tri thức của chương trình giáo dục phổ thông với đại học là khá xa nhau. Đây chính là lúc dạng sách thường thức, nhập môn, từ điển phát huy tác dụng, giúp tiếp thu tri thức đầy đủ, có lớp lang bài bản. Ở thời đại kinh tế tri thức, các ngành đều phát triển sâu, tính chuyên biệt cao, nếu không phải là người nghiên cứu, tìm hiểu kỹ thì khó có thể nắm bắt hết. Do vậy, sách thường thức rất quan trọng góp phần nâng cao dân trí, văn hóa đọc của đất nước.
Khoảng trống sách thường thức vẫn chưa được lấp đầy bởi ngoài nguyên nhân không dễ biên soạn còn là giá thành không cao nên các đơn vị làm sách không mấy mặn mà. Cho nên những dự án sách thường thức hoặc từ điển mở do các bộ, ngành, trường đại học, viện nghiên cứu tổ chức biên soạn cần phải được xem là vốn quý nhằm phổ cập tri thức một cách rộng khắp, đáng tin cậy.
Nguồn lực biên soạn sách thường thức vốn không có nhiều nên thiết nghĩ ban chỉ đạo, những người biên soạn cần làm việc khoa học, sáng tạo, với tinh thần nghiêm túc, luôn đặt lợi ích cộng đồng, khát vọng phổ cập tri thức lên hàng đầu. Tránh tình trạng làm sách phổ cập tri thức mà dông dài, nặng nề, chắp vá, cóp nhặt, làm cho có, làm cho xong để nghiệm thu. Như vậy là lãng phí tiền bạc, thời gian của xã hội và nhất là làm mất lòng tin của độc giả vào các chuyên gia có tiếng, có thẩm quyền truyền bá tri thức.
HÀM ĐAN
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Cùng bàn luận xem các tin, bài liên quan.