Tôi còn được biết, mặc dù đã ở độ tuổi “xưa nay hiếm”, nhưng mọi công việc từ lớn đến nhỏ của địa phương, bác ấy vẫn luôn hăng hái, nhiệt tình tham gia. Nghe câu chuyện về ông, tôi mới suy nghĩ nhiều hơn về vị trí, vai trò, đóng góp quan trọng của lớp người cao tuổi (NCT), nhất là trong hoạt động giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. Dân gian có câu “Ra đường hỏi già…” để nói về sự tin cậy của lớp NCT trong xã hội. Khi cần tìm hiểu, nắm bắt thông tin, ý kiến của người già luôn là nguồn tin cậy, có giá trị. Có lẽ cũng vì thế mà “kính lão trọng thọ” trở thành lối ứng xử truyền thống của người dân Việt Nam.
 |
Ảnh minh họa: TTXVN |
Hiện nay, NCT ở nước ta chiếm tỷ lệ gần 12% dân số cả nước. Đây là lớp người có kiến thức, thực tiễn chiến đấu, lao động, sản xuất, giàu kinh nghiệm sống. Nhiều NCT vẫn muốn được cống hiến, trực tiếp tham gia giáo dục truyền thống, truyền dạy kinh nghiệm công tác, chiến đấu cho lớp trẻ. Trong mỗi gia đình, NCT còn là người giữ nhịp, có vai trò quyết định trong việc hình thành, lưu giữ và truyền thụ các giá trị văn hóa cho thế hệ sau. Các thế hệ con, cháu trong gia đình đều ảnh hưởng rất lớn từ phong cách, thái độ, quan điểm sống của NCT. Thực tế cho thấy, gia đình nào mà thế hệ cha, ông mẫu mực, làm tốt việc giáo dục truyền thống, duy trì tình cảm, quan hệ thì gia đình đó hưng thịnh, phát triển. Ngược lại, nếu gia đình nào lớp người trên không gương mẫu, sao nhãng việc giáo dục, dạy dỗ thế hệ trẻ, gia đình đó sẽ bị mâu thuẫn, mất đoàn kết.
Nhìn lại lịch sử, có thể thấy, từ xưa đến nay, các nhà lãnh đạo nước ta luôn đặc biệt quan tâm, coi trọng, phát huy giá trị của NCT. Hội nghị Diên Hồng do Thượng hoàng Trần Thánh Tông tổ chức vào tháng Chạp năm Giáp Thân (1284) nhằm triệu họp các bậc bô lão đại diện lớp NCT cả nước để trưng cầu, xin ý kiến về chủ trương “hòa hay đánh” khi quân Nguyên Mông xâm lược Việt Nam lần thứ hai là minh chứng tiêu biểu cho truyền thống ấy. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng từng căn dặn: “Người cao tuổi là của quý vô giá của dân tộc, của Nhà nước”. Thực hiện lời dặn của Người, những năm qua, Đảng, Nhà nước và các tổ chức xã hội luôn quan tâm, làm tốt công tác chăm sóc và lắng nghe, trân trọng các ý kiến, nguyện vọng, kiến nghị của các bậc lão thành. Trước các kỳ đại hội hoặc khi soạn thảo, ban hành các đạo luật, văn bản quy phạm pháp luật quan trọng, Đảng, Nhà nước ta luôn có các hình thức, biện pháp, cách làm để tiếp thu được đông đảo ý kiến đóng góp quý báu của NCT. Đó cũng chính là cách để góp phần duy trì tốt mối quan hệ hài hòa, bền chặt giữa “ý Đảng” với “lòng dân”, sự đoàn kết, thống nhất cao trong toàn xã hội.
Qua nghiên cứu cho thấy, tốc độ “già hóa” lao động của nước ta ngày càng nhanh, đồng nghĩa với tỷ trọng NCT trong cơ cấu dân số ngày một tăng lên. Để phát huy hiệu quả nguồn lực dồi dào này, chúng ta cần có các cơ chế, chính sách để thu hút, khai thác một cách hiệu quả trí tuệ, kinh nghiệm của NCT. Đồng thời, có biện pháp để trọng dụng NCT tham gia nhiều hơn vào việc giáo dục truyền thống, định hướng tư tưởng, xây dựng tinh thần, tác phong, quan điểm sống đúng đắn cho thế hệ trẻ. Muốn làm được điều đó, chúng ta cần tạo điều kiện hỗ trợ NCT rèn luyện sức khỏe, luôn gần gũi, chủ động cung cấp thông tin về tình hình mọi mặt để NCT kịp thời nắm bắt, nghiên cứu, từ đó có những biện pháp giáo dục, thuyết phục hiệu quả, khiến lớp trẻ dễ dàng tiếp nhận, nghe theo.
VĂN CHIỂN