Đi qua các tuyến đường trong nội ô TP Cần Thơ-thủ phủ của vùng ĐBSCL, thấy xoài, ổi đổ đống ven đường. Những người bán đều trưng bảng ghi rõ 10.000 đồng/3kg, thậm chí có nơi 6.000 đồng/3kg nhưng cũng không có nhiều người mua. Đó là xoài Đài Loan, ổi nữ hoàng, đều là những cái tên nghe rất kêu và sang chảnh, từng một thời giá cao, hút hàng, khiến nông dân đổ xô tìm cây giống về trồng. Mua bọc ổi với mấy đồng tiền lẻ, chợt hình dung hình ảnh người nông dân ngồi bó gối chờ thương lái, rầu rĩ nhìn trái cây tự rụng đầy vườn mà nao lòng.
 |
Một góc vườn thanh long của nông dân tỉnh Tiền Giang. Ảnh minh họa: baotintuc.vn. |
Theo thống kê, ĐBSCL có khoảng 300.000ha trồng cây ăn trái, mỗi năm cho thu hoạch hơn 4 triệu tấn quả, chiếm đến 60% sản lượng trái cây của cả nước. Thế nhưng đầu ra cho trái cây phần lớn quanh quẩn ở thị trường trong nước, tiêu thụ chậm, giá bán thấp; trong khi đó, tỷ lệ trái cây xuất khẩu chỉ chiếm khoảng 10%, chủ yếu là xuất khẩu sang Trung Quốc, Campuchia chứ chưa chiếm lĩnh được những thị trường khó tính ở các nước châu Âu, Mỹ, Nhật Bản.
Về nguyên nhân trái cây ĐBSCL thường rơi vào tình trạng “được mùa, mất giá”, đã có nhiều nhà quản lý, nhà khoa học phân tích tỷ mỉ, nhất là tại các diễn đàn, hội thảo. Trong đó nổi bật có những nguyên nhân như: Sản xuất tự phát, manh mún, nhỏ lẻ; quy hoạch thiếu khoa học, hợp lý; thiếu liên kết trong sản xuất và tiêu thụ; chất lượng trái cây không đạt chuẩn yêu cầu, không đủ sức cạnh tranh với trái cây ngoại nhập ngay cả ở thị trường nội địa... Đem những nguyên nhân này về nông thôn chia sẻ với nông dân, ai cũng cười ngất: Chuyện đó chúng tôi biết lâu rồi, nghe hoài tới nỗi thuộc lòng, thời đại công nghệ mà!
Đừng nói chuyện vĩ mô, to tát làm gì, cái mà chúng tôi cần là chất lượng cây giống và thông tin định hướng thuyết phục, một lão nông tâm sự. Nhìn sang nước trong khu vực Đông Nam Á, gần với Việt Nam, thấy họ liên tục phát triển, nâng cao chất lượng cây giống mà ham. Cũng cùng chủng loại như xoài, nhãn, mít, vú sữa, na, măng cụt, sầu riêng, cây có múi thôi, vậy mà cứ tầm 10-20 năm là họ đưa ra giống cây mới, cho quả ngon và đẹp đến bất ngờ. Còn ở xứ mình, từ thế kỷ 19 tới giờ, cây xoài cát chu vẫn là xoài cát chu, không có gì thay đổi. Nông dân mình cũng năng động, thấy họ có giống cây mới thì nhanh chóng “chép lại” bằng cách lai ghép, chiết cành, hoặc mua trôi nổi trên thị trường mà không có tổ chức nào đứng ra bảo chứng, cây không hợp thổ nhưỡng và nhanh thoái hóa, kiểu gì cũng không theo kịp.
Vị lão nông còn kể, có lần “lên mạng” thấy trong siêu thị bày bán bưởi và chanh xuất xứ nước ngoài với giá cao gấp mười lần trái cây cùng loại của Việt Nam. Bấm bụng bỏ tiền mua về... nghiên cứu mới té ngửa, bưởi của họ có ngoại hình giống với bưởi năm roi, ruột thì chẳng khác bưởi da xanh xứ mình. Chanh (và lá đóng gói bán kèm) thì giống y quả chúc vốn là cây bản địa của vùng Bảy Núi (tỉnh An Giang)...
Nỗi niềm của người nông dân cũng giống như nỗi niềm cây trái, họ luôn khao khát có được giống cây trồng mới, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh cao để tiến tới xây dựng thương hiệu, đáp ứng yêu cầu của thị trường trong thời đại hội nhập. Điều quan trọng nữa là đừng để người nông dân phải tự mình nghe ngóng, tự định hướng thị trường, mỗi năm dồn mọi nguồi lực để sản xuất một đến hai vụ trái cây mà cảm giác phập phồng như chơi... xổ số.
Nỗi niềm của người nông dân cũng giống nỗi niềm cây trái vậy!
HỒNG BỈNH HIẾU