Ngay khi chúng tôi viết những dòng này thì cũng nhận được tin sáng 27-7, một vụ TNGT nghiêm trọng xảy ra khi một chiếc xe khách mất lái, đâm vào các phương tiện khác tại cầu Bãi Cháy (Hạ Long, Quảng Ninh), khiến 2 người tử vong, 3 người bị thương nặng. Từ đầu năm đến nay, cả nước xảy ra gần 8.400 vụ TNGT, làm chết hơn 3.800 người, bị thương gần 6.400 người. Bình quân mỗi ngày có 18 người chết và 30 người bị thương do TNGT.

Có thể nói, tình trạng mất an toàn giao thông (ATGT) ở nước ta diễn ra rất phức tạp, kéo dài từ nhiều năm qua. Đây là vấn đề đã được Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương cùng các địa phương bàn bạc nhiều và cũng đã đưa ra nhiều giải pháp để ngăn chặn TNGT, như: Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, gia tăng chế tài xử phạt, cải tạo hạ tầng giao thông, siết chặt quản lý phương tiện... Thế nhưng thực tế, các tiêu chí về TNGT (số vụ, số người chết, số người bị thương) đều giảm rất chậm, nhất là ở các thời điểm “nhạy cảm” về giao thông (ngày nghỉ, ngày lễ, tết...), hoặc trên các tuyến đường trọng điểm, các “điểm đen” về TNGT thì các tiêu chí nêu trên đều không có dấu hiệu giảm. Như vậy có thể thấy các giải pháp chưa có tính đột biến, nên chưa tạo ra hiệu quả tức thì trong giải quyết vấn đề TNGT.

Hiện trường một vụ tai nạn giao thông trên tuyến Quốc lộ 5. Nguồn: TTXVN

Để giảm TNGT, dứt khoát các cơ quan chức năng phải có sự nghiên cứu để đưa ra những biện pháp có tính đồng bộ. Khi có giải pháp rồi thì phải quy rõ trách nhiệm đối với từng bộ phận, từng cơ quan chức năng và thực hiện cho nghiêm. Hiện nay đang tồn tại một tình trạng, đó là cán bộ chủ trì các địa phương, cơ quan, đơn vị chỉ bị nhắc nhở, phê bình khi để cơ quan, đơn vị, địa phương mình xảy ra nhiều vụ TNGT, thế nên trách nhiệm của họ trong việc giải quyết vấn đề TNGT còn nhiều hạn chế. Vì vậy, nên nghiên cứu đưa các tiêu chí về bảo đảm ATGT vào tiêu chí đánh giá cán bộ chủ trì, để trực tiếp nâng cao vai trò, trách nhiệm của đội ngũ này đối với công tác bảo đảm ATGT trên địa bàn, ở cơ quan, đơn vị do cán bộ đó quản lý.

Đối với lực lượng thực thi pháp luật, cần nêu cao vai trò trách nhiệm, làm việc công tâm, xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm theo đúng quy định của pháp luật. Sở dĩ có hiện tượng “nhờn luật” trong chấp hành các quy định về giao thông cũng một phần là do lực lượng thực thi pháp luật thiếu nghiêm túc, dễ dãi, qua loa, trong đó có cả hiện tượng tiêu cực khi xử lý những hành vi vi phạm về trật tự ATGT. Vì vậy, xử phạt nghiêm minh là rất cần thiết đối với các hành vi vi phạm, vì một lần bị phạt có thể có tác dụng hơn cả chục bài giảng về nâng cao ý thức khi tham gia giao thông. Nếu còn để tiếp diễn tình trạng các chủ phương tiện và lái xe phải “làm luật” đối với lực lượng chức năng khi tham gia giao thông thì không bao giờ pháp luật được duy trì nghiêm túc và sẽ rất khó giảm các tiêu chí về TNGT.

Công tác đầu tư nâng cấp hạ tầng giao thông cần tiến hành thật bài bản, khoa học. Trước mắt cần nghiên cứu, giải quyết ngay những hạn chế, bất cập về quy hoạch, thiết kế tại các “điểm đen”, những tuyến đường “nóng” về TNGT. Hạn chế đến mức tối thiểu các nút giao cắt đồng mức, nhất là trên các tuyến quốc lộ có nhiều phương tiện tải trọng lớn, mật độ phương tiện tham gia giao thông cao.

Cuối cùng là tiếp tục kiên trì tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mỗi người dân về TNGT và chấp hành pháp luật trong tham gia giao thông. Hiện nay ở nước ta, ý thức tự giác của nhiều người dân khi tham gia giao thông còn rất thấp, nên tình trạng phóng nhanh, vượt ẩu, tranh giành đường... vẫn diễn ra phổ biến trên khắp các tuyến đường, ở khắp các địa phương. Do đó phải vừa tuyên truyền, giáo dục, kết hợp với cưỡng bức bằng các chế tài xử phạt thì mới mong nâng cao nhận thức, xây dựng ý thức tự giác cho người dân. Đó cũng chính là nền tảng để tạo nét văn hóa trong tham gia giao thông, cái gốc để giảm TNGT.

TRẦN VŨ