Không những tung tin thất thiệt như “máy bay rơi ở Nội Bài”, “lễ hội sờ ngực phụ nữ để làm… từ thiện”, có người lại cố tình dựng chuyện, dựng hình ảnh để quay clip theo kiểu “treo đầu dê, bán thịt chó” nhằm "câu like", thu hút sự quan tâm của cộng đồng mạng. Đáng buồn hơn, nhiều vụ việc tung tin “bắt cóc trẻ em” trên mạng xảy ra ở một số địa phương thời gian qua đã lên đến đỉnh điểm khiến nhiều người lương thiện không may bị “tai bay vạ gió” bởi những cuộc “đánh hội đồng” của đám đông vô công rồi nghề. Theo một chuyên gia tâm lý, căn nguyên gây ra những hành xử “bạo lực đám đông” đó bắt nguồn từ chính những điều “nói đơm nói đặt” trên mạng xã hội!
Nói về sự bịa đặt, ông cha từng khuyên răn: "Đừng bảo rằng trời không tai/ Nói đơm nói đặt cậy tài mà chi". “Trời” mênh mông là thế, nhưng đâu dễ qua được mắt “trời”. Bởi “trời” ở đây cần hiểu là cộng đồng, là luật lệ, là người "cầm cân nảy mực", là trọng tài phán quyết mọi sự đúng-sai, phải-trái trong cuộc sống. Thế nên, những ai đó dù có tài cán, tinh vi, tiểu xảo đến mấy mà “nói đơm nói đặt” thì cũng khó có thể lọt qua được sự phán xét của người đời. Dân gian cũng có câu “Rừng có mạch, vách có tai”, nghĩa là rừng có rậm rạp đến đâu cũng vẫn có những lối đi nhỏ (mạch) người ta có thể biết được; vách có kín đến mấy người ta cũng có thể nghe được. Huống chi mạng xã hội vốn là một không gian xuyên biên giới, chỉ cần một tin tức, hình ảnh sau vài ba giây xuất hiện trên mạng là hàng vạn, hàng triệu, thậm chí hàng tỷ người trên thế giới cùng biết.
Thực ra, chuyện tung tin giả trên mạng xã hội không phải là chuyện riêng ở xứ ta, mà nó xảy ra ở hầu khắp các nước có sử dụng mạng “thế giới ảo”. Có điều đáng nói là chuyện tung tin “vịt” của nhiều cư dân mạng ở ta không hẳn là do ý đồ tồi, động cơ xấu, mà lại có căn nguyên sâu xa từ sự hồn nhiên thái quá, từ thói háo danh, thích “nổi đình nổi đám” trong thiên hạ để mong được nhiều người biết đến. Năm 1938, lần đầu tiên xuất bản cuốn sách “Việt Nam văn hóa sử cương”-một cuốn sách “gối đầu giường” của giới nghiên cứu văn hóa nước nhà, học giả Đào Duy Anh từng nhận định về tính cách, tâm lý người Việt: “Tính khí cũng hơi nông nổi” và “Hay khoe khoang trang hoàng bề ngoài, ưa thích hư danh”. Sau gần 80 năm ngẫm lại, lời cụ Đào Duy Anh vẫn không mất đi tính thời sự, chí ít là đối với nhiều người sử dụng facebook hiện nay. Cứ một ngày thử “lướt” trên mạng xã hội có thể thấy nhan nhản thông tin, hình ảnh phô trương, khoe mẽ nhà cao cửa rộng, xe sang, quần áo thời trang, thậm chí có người đã “phơi bày” cho cả thiên hạ biết đầu giường nhà mình có chăn gối gì đẹp, góc bếp gia đình có đồ ăn thức uống nào ngon… Thôi thì cái thói “khoe của” này dẫu sao cũng chỉ là sở thích cá nhân và vô hại!
Thế nhưng, tính khí “hơi nông nổi” của một số cư dân mạng mà ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục dân tộc, đạo đức cộng đồng hay liên lụy đến niềm tin của nhiều người và sự an nguy của xã hội thì nhất thiết phải cảnh tỉnh, phê phán. Bởi trong “thế giới phẳng” hiện nay, với tốc độ lan truyền thông tin cực nhanh, cực mạnh, chỉ một thông tin sai có thể kéo theo hàng ngàn, thậm chí hàng vạn, hàng triệu thông tin sai cùng lúc. Trong một xã hội thượng tôn pháp quyền, đương nhiên người nào tung tin thất thiệt trên mạng xã hội, tùy theo tính chất, mức độ, hậu quả gây ra thì phải chịu các trách nhiệm pháp lý tương ứng. Tuy vậy, mỗi cư dân mạng trước khi đưa tin gì trên “không gian ảo”, hãy đừng quên lời người xưa răn dạy: “Xảo ngôn loạn đức. Tiểu bất nhẫn, tắc loạn đại mưu” (Khổng Tử). Điều đó nghĩa là: Lời giả dối làm rối loạn tâm thiện. Không nhịn được điều nhỏ nhặt, sẽ làm hư chuyện lớn.
THIỆN VĂN