Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã rất cố gắng chăm lo cho sự nghiệp giáo dục-đào tạo. Tuy nhiên, thực tế đời sống vật chất, tinh thần của đội ngũ giáo viên cũng như học sinh, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng còn nhiều khó khăn... Để góp phần khắc phục những khó khăn đó, đã có rất nhiều thầy giáo, cô giáo không chỉ yêu ngành, yêu nghề, nỗ lực phấn đấu dạy giỏi mà còn có tấm lòng nhân ái, sẵn sàng hy sinh lợi ích riêng để giúp đỡ học trò vượt khó đến trường, hướng tới tương lai tươi sáng.

Ảnh minh họa. Nguồn: daidoanket.vn

Không thể kể hết những tấm gương nhà giáo tận tâm, tận lực, hết lòng vì học sinh thân yêu, nhưng xin nêu một số điển hình về giúp học sinh vùng khó khăn khiến chúng ta xúc động. Với mong muốn ôn tập kiến thức cho những học sinh nghèo, thầy Mai Văn Chuyền (giáo viên Trường THCS Ngô Mây, xã Ea M’droh, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắc Lắc) và vợ đã tổ chức lớp học miễn phí buổi tối ngay tại nhà mình ở xã Quảng Hiệp, huyện Cư M’gar. Chuẩn bị vào năm học mới 2020-2021, giáo viên một số trường tiểu học, THCS ở các xã thuộc huyện miền núi Nam Trà My (Quảng Nam) đã trích tiền lương của mình để mua thêm gạo, mắm, muối hỗ trợ học sinh và đến từng làng, từng nhà vận động các em đến lớp. Với suy nghĩ trường học không chỉ là nơi dạy kiến thức mà còn là nơi lan tỏa tình yêu thương, tập thể giáo viên Trường Tiểu học Hà Bầu (huyện Đắk Đoa, tỉnh Gia Lai) đã tổ chức Chương trình “Kết nối yêu thương”, huy động đóng góp làm sổ tiết kiệm tặng học sinh mồ côi và học sinh nghèo vượt khó học giỏi...

Chúng ta càng trân trọng công lao của đội ngũ nhà giáo hết lòng vì sự nghiệp “trồng người” bao nhiêu, thì không khỏi buồn lòng và lo lắng khi đâu đó xuất hiện những hiện tượng “lệch chuẩn” của một số giáo viên, như: Vi phạm đạo đức, thiếu tâm huyết với nghề; coi việc dạy thêm là “cần câu cơm” để rồi cắt xén kiến thức truyền đạt trên lớp để dạy ở nhà; tình trạng sai phạm trong thi cử; biểu hiện chạy theo thành tích đơn thuần; nạn lạm thu đầu năm học... Những sự việc đáng buồn đó đã gây ảnh hưởng không nhỏ tới giá trị cao quý của nghề giáo.

"Lấy cái đẹp dẹp cái xấu" và "trồng hoa đẹp để dẹp cỏ dại" là bài học về nhân điển hình tiên tiến, đẩy lùi những thói xấu, tiêu cực. Thế nhưng thực tế là trong những năm qua, công tác tuyên truyền, tôn vinh và nhân rộng những tấm gương tập thể, cá nhân điển hình “vì học sinh thân yêu”, nhất là những tấm gương thầy giáo, cô giáo ở vùng sâu, vùng xa vẫn chưa thực sự tương xứng; chưa làm nổi bật được ý nghĩa sâu sắc về tinh thần, trách nhiệm và tính nhân văn của người thầy sẵn sàng hy sinh lợi ích của mình để giúp đỡ học sinh. Thay vào đó, có không ít cơ quan báo chí, truyền thông và người dân lại tập trung thổi phồng, khoét sâu vào những thiếu sót, khuyết điểm của một số giáo viên, rồi đánh đồng, quy chụp cho cả đội ngũ, khiến các nhà giáo chân chính cảm thấy bị tổn thương, buồn lòng.

Chăm lo cho sự nghiệp giáo dục-đào tạo đòi hỏi trách nhiệm rất cao của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, mỗi gia đình, công dân. Đội ngũ nhà giáo không chỉ cần sự quan tâm chăm lo về chế độ, chính sách, vật chất trường lớp, mà trước hết là sự nhìn nhận đúng đắn, sẻ chia, khen-chê đúng mực và đặc biệt những việc làm tốt, tấm gương sáng trong ngành giáo dục cần được tôn vinh xứng đáng, lan tỏa để cổ vũ, nhân rộng. Như thế sẽ giúp các thầy giáo, cô giáo càng thêm yêu nghề, thực sự yên tâm công tác, toàn tâm toàn ý vì sự nghiệp "trồng người".    

TÙNG LÂM