Thông điệp ấy được nhiều diễn giả là những nhà báo nổi tiếng chia sẻ tại các diễn đàn trong khuôn khổ “Tuần lễ sách của người làm báo” đang diễn ra tại đường sách TP Hồ Chí Minh. Sự kiện do Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức nhân kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam.
 |
Phóng viên tác nghiệp. Ảnh minh họa: TTXVN |
Khi được hỏi, nguồn năng lượng nào giúp tác giả sung sức trong lao động sáng tạo, các nhà báo viết sách đều cho rằng đó là nhờ đọc, chăm đọc, chịu khó đọc. Bất cứ ai muốn làm giàu tri thức đều phải đọc. Nhưng cái sự đọc của nhà báo còn cần thiết hơn nhiều, bởi nhà báo đọc không chỉ để tiếp cận tri thức mà đó còn là cách tự học tập, trau dồi kỹ năng, phương pháp làm báo.
Nêu vấn đề và nhấn mạnh vai trò đọc, bởi trong bối cảnh bùng nổ công nghệ số, nhiều người có xu hướng tuyệt đối hóa vai trò của công nghệ, coi nhẹ văn hóa đọc. Đã đành “cái gì không biết thì tra Google...” và dần dần, trí tuệ nhân tạo sẽ làm thay con người rất nhiều công việc, nhưng bản chất của lao động sáng tạo luôn nằm ở bộ óc và trái tim con người. Đó là thứ công nghệ không thể thay thế, không thể chiếm lĩnh. Với nghề lấy ngôn ngữ làm công cụ lao động, không thể đảo ngược bản chất ấy dưới bất cứ lý do gì, bất cứ sự tác động nào. Công nghệ chỉ giữ vai trò là công cụ, hỗ trợ, bổ trợ cho trí tuệ con người.
Sản phẩm lao động của nhà báo thẩm thấu vào đời sống xã hội thông qua nhu cầu đọc, nghe, nhìn, cảm thụ, làm theo... của độc giả, công chúng. Nhà báo đọc để nuôi dưỡng, bổ sung nguồn năng lượng lao động; chính công chúng và hiện thực đời sống sẽ “đọc” nhà báo thông qua sản phẩm được nhà báo cung cấp. Mối quan hệ giữa nhà báo và độc giả, công chúng là mối quan hệ biện chứng, tương sinh, cộng hưởng. Nếu nhà báo lười biếng, lệ thuộc vào công nghệ, coi nhẹ năng lực sáng tạo thì sản phẩm của nhà báo chỉ là thứ ăn sẵn, ăn theo, và đó chắc chắn không phải là thứ công chúng cần.
Nói về vai trò của báo chí cách mạng trong thời đại ngày nay, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Báo chí phải làm sao để góp phần tạo nên sự đồng tâm và sức mạnh tổng hợp to lớn cho cách mạng”. Như vậy, lao động nghề nghiệp của báo chí và nhà báo không đơn thuần chỉ là cung cấp thông tin, phản ánh hiện thực đời sống mà cao hơn, đó là thể hiện rõ vai trò định hướng dư luận, là ngọn cờ tập hợp quần chúng, góp phần xây dựng nguồn lực cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Hiệu quả của sự đồng tâm, sức mạnh tổng hợp ấy đến đâu, chính là thước đo, sự đánh giá của độc giả, công chúng đối với nhà báo. Đó là cách công chúng “đọc” nhà báo.
Để hoàn thành trách nhiệm vẻ vang của báo chí cách mạng, mỗi nhà báo với tư cách là những nhân tố cấu thành nền báo chí cần hội tụ rất nhiều yếu tố. Trong đó, việc đọc, nói rộng ra là ý thức tự học, tự rèn luyện, tự tu dưỡng... lúc nào và ở đâu cũng cần được đề cao, coi trọng. Có được những giá trị cốt lõi ấy, kết hợp với sự tương tác, hỗ trợ mạnh mẽ của công nghệ thông minh, trí tuệ nhân tạo... chắc chắn nhà báo sẽ được công chúng ghi nhận, xã hội tôn vinh.
PHAN TÙNG SƠN