Điều đáng nói, Nguyễn Hoàng Tấn thực hiện bộ tranh này khi đang là sinh viên Trường Đại học Kiến trúc TP Hồ Chí Minh. Tấn chọn vẽ tranh về nữ liệt sĩ Đặng Thùy Trâm dựa trên cuốn nhật ký của chị để làm đồ án tốt nghiệp. Bằng niềm tôn kính vô hạn đối với các anh hùng liệt sĩ, chàng sinh viên đã dành hơn 3 tháng tìm hiểu, nghiên cứu, thể nghiệm để cho ra đời bộ tranh tái hiện chân thực, sinh động cuộc đời anh dũng và lãng mạn của nữ liệt sĩ Đặng Thùy Trâm.
Những ngày này, âm hưởng truyền thống Nam Bộ kháng chiến đang được khơi dậy mạnh mẽ trong môi trường truyền thông và đời sống văn hóa, nghệ thuật. Rất đáng tự hào khi hiện nay, phần lớn sự kiện lịch sử hào hùng liên quan đến Nam Bộ kháng chiến được phục dựng, bảo tồn, trở thành hệ thống di tích lịch sử-văn hóa. Riêng tại TP Hồ Chí Minh có đến hàng chục di tích, di sản văn hóa vật thể liên quan đến sự kiện và giai đoạn lịch sử hào hùng này. Nhiều nghệ sĩ trẻ tài năng đã thực hiện những hình thức nghệ thuật tái hiện lịch sử theo phong cách hiện đại, ứng dụng công nghệ thông minh, trí tuệ nhân tạo và tận dụng tối đa lợi thế của truyền thông, mạng xã hội để đưa ý tưởng, sản phẩm nghệ thuật đến với công chúng. Hiện vật lịch sử, hệ thống di tích, di sản văn hóa chính là chất liệu sống động tuyệt vời để người trẻ tái hiện, phục dựng, phỏng dựng một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc theo phong cách mới, phương pháp tiếp cận mới.
 |
Bìa của bộ tranh minh họa cuốn “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” do tác giả Nguyễn Hoàng Tấn. Ảnh: tuoitre.vn. |
Những câu chuyện trên thêm một lần nữa khẳng định, giới trẻ Việt Nam chưa và không bao giờ quay lưng với lịch sử, truyền thống, di sản cha ông để lại. Cái họ cần và khao khát hướng tới đó là tìm những góc tiếp cận mới, cách thể hiện mới để làm sáng đẹp hơn hình ảnh, làm giàu hơn nguồn sử liệu và khơi đúng mạch nhu cầu cảm thụ của người trẻ trong môi trường công nghiệp 4.0. Phát huy những cách làm năng động, sáng tạo, nhiệt huyết của những người trẻ tài năng, thời gian qua, nhiều tổ chức, cá nhân thuộc các hội, đoàn gắn với các phong trào hoạt động ở hệ thống nhà thiếu nhi, nhà văn hóa, trường học… đã triển khai nhiều hình thức giáo dục truyền thống sinh động. Họ đã hóa thân vào những câu chuyện lịch sử, trải nghiệm lịch sử từ hệ thống di tích, di sản để cảm thấu và hành động. Rất nhiều mô hình ứng dụng công nghệ thông minh, trí tuệ nhân tạo được áp dụng, giúp người trẻ tiếp cận lịch sử theo cách hiện đại, hiệu quả. Đặc biệt, trong lĩnh vực điện ảnh, sân khấu, xu hướng sáng tác nhạc, dựng kịch, làm phim cổ phong, tái hiện lịch sử, truyền thống dân tộc theo phong cách của người trẻ đã thổi luồng gió mới vào đời sống văn hóa, nghệ thuật của công chúng. Một số tác phẩm sân khấu, điện ảnh cổ phong mới ra đời được sự đón nhận nồng nhiệt của khán giả, là tín hiệu rất đáng mừng.
Người trẻ có lợi thế đặc biệt về trình độ, kỹ năng ứng dụng công nghệ, tiếp cận tinh hoa nghệ thuật hiện đại theo phong cách mới, phù hợp xu thế thời đại. Có sự liên kết, gắn kết giữa những nghệ sĩ đi trước với người trẻ hôm nay, cùng chung ý tưởng, mục đích nghệ thuật, là mong muốn của đông đảo công chúng. Bởi, mọi sự khám phá, đột phá đều có thể dẫn đến những bước đi sai. Người đi trước nâng bước người đi sau để việc tiếp cận di sản cha ông vừa hấp dẫn, sáng tạo, vừa không xa rời bản sắc dân tộc. Đó mới là điều công chúng và xã hội cần đến.
PHAN TÙNG SƠN