Bộ quy tắc nêu rõ hành vi ứng xử ở đây là những phát ngôn, tác phong, lối sống, trang phục của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật. Ngoài quy tắc ứng xử chung, ban soạn thảo đưa ra các quy tắc cụ thể trong hoạt động nghề nghiệp, ứng xử với đồng nghiệp, khán giả; ứng xử trong công tác xã hội, trên báo chí, truyền thông và mạng xã hội. Đặc biệt, dự thảo bộ quy tắc cũng nhấn mạnh nghệ sĩ không tham gia quảng cáo các sản phẩm không đúng hoặc gây nhầm lẫn về công dụng của sản phẩm, không thực hành, ủng hộ hoạt động mê tín dị đoan; không tổ chức, tham gia các hoạt động trái quy định của pháp luật và phải có trách nhiệm minh bạch trong hoạt động xã hội, từ thiện.
 |
Bộ Quy tắc hướng dẫn nghệ sĩ hoạt động nghệ thuật, ứng xử với truyền thông và khán giả. Ảnh minh họa: VTV.vn |
Sở dĩ bộ quy tắc này đang nhận được sự quan tâm của không chỉ những người “bị” điều chỉnh (trong đó đặc biệt là nghệ sĩ) mà còn cả công chúng. Bởi lẽ, trong quá trình hoạt động nghệ thuật, nghệ sĩ không thể tách rời khỏi công chúng. Công việc của nghệ sĩ là công việc đặc thù, họ tác động, chi phối công chúng không chỉ bằng tài năng nghệ thuật, nỗ lực vươn lên của mình mà còn ở lối sống, cách hành xử với cộng đồng. Đặc biệt đối với công chúng trẻ, những người chưa thực sự trưởng thành, chưa có kinh nghiệm ứng xử trước những vấn đề phức tạp trong đời sống xã hội và lĩnh vực hoạt động nghệ thuật.
Ở nước ta, thời gian gần đây, ứng xử của nghệ sĩ và một số người hoạt động trong lĩnh vực giải trí được soi chiếu nhiều hơn. Nguyên nhân một phần là do nghệ sĩ ngoài hoạt động nghề nghiệp còn có hoạt động giao tiếp với công chúng cả ngoài thực tiễn và trên mạng xã hội. Trong quá trình đó có một số nghệ sĩ tạo được hình ảnh, dư luận tốt, nhưng vẫn còn một số nghệ sĩ (và cả một số người mang danh nghệ sĩ) có hành vi, cách ứng xử chưa phù hợp, phản cảm, có tác động tiêu cực tới nhận thức, tình cảm của công chúng... Do vậy việc ban hành Bộ quy tắc ứng xử đối với những người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, nhằm tạo ra khuôn khổ, hình thành độ chuẩn mực cho họ khi hoạt động, ứng xử và giao tiếp với công chúng là điều cần thiết.
Mặc dù Bộ Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật không có chế tài, chỉ mang tính hướng dẫn hành vi, giống như Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành trước đây, trong đó đề cao nguyên tắc “trách nhiệm, tôn trọng, lành mạnh, an toàn”, nhưng không có nghĩa vì thế mà không khả thi. Nó vẫn có giá trị nhất định. Bộ quy tắc sẽ cung cấp cơ sở đánh giá chung cho xã hội, từ đó hình thành dư luận xã hội để đánh giá nghệ sĩ, người nổi tiếng. Ai vi phạm chuẩn mực đạo đức ắt sẽ bị lên án bởi dư luận cộng đồng và sự điều chỉnh của đơn vị quản lý, cơ quan chức năng. Còn về chế tài, đã có quy định xử phạt trong các luật, nghị định của Chính phủ... Những quy định “dưới luật” này khiến chúng ta nhớ tới các hương ước của các làng xã Việt Nam xưa nhằm điều chỉnh hành vi, lối sống, cách ăn ở, ứng xử, giao tiếp của một bộ phận dân cư trong cộng đồng... Đó là những chuẩn mực có tính quy ước, dù không được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật, nhưng lại là thước đo để từng người tự soi xét về các hành vi, hoạt động của mình và là cơ sở để cộng đồng dân cư điều chỉnh các hành vi lệch lạc. Cho đến nay, hương ước làng xã vẫn phát huy được giá trị.
Dù gắn với sự hào nhoáng của một số ít, nhưng chắc chắn, khái niệm “nghệ sĩ” trước tiên vẫn luôn gợi lên hình ảnh của những người làm nghệ thuật và cống hiến cho sự phát triển, hội nhập của nghệ thuật nước nhà. Bộ Quy tắc ứng xử sắp ra đời được kỳ vọng vừa tốt đối với giới nghệ sĩ, vừa tốt cho xã hội. Hình ảnh nghệ sĩ tài năng, trong sáng, chuẩn mực trong hoạt động nghệ thuật và phi nghệ thuật, có chiều sâu văn hóa trong ứng xử sẽ là chất xúc tác góp phần định hướng thái độ tích cực cho công chúng.
HÀ ANH