Ảnh minh họa. Nguồn: vanhoadoanhnhan.com
Với nhiều giống lúa có chất lượng tốt, gạo ngon, được lưu giữ, lai tạo qua bao thế hệ, vậy mà giờ đây, gạo Việt vẫn chưa hội đủ sức mạnh để tạo thành một thương hiệu ấn tượng trong khu vực và quốc tế. Đây là điều day dứt không chỉ đối với người nông dân làm ra hạt gạo mà còn đối với cả các nhà khoa học, các nhà hoạch định chính sách về phát triển cây lúa, hạt gạo, về nền nông nghiệp Việt Nam khi bước vào sân chơi hội nhập quốc tế.
Làm gì để tạo ra "cuộc cách mạng" về chất cho gạo Việt, để thương hiệu gạo Việt Nam “cất cánh”? Đây quả là câu hỏi khó nhưng vô cùng cấp bách khi nước ta đã hội nhập sâu vào thị trường thế giới. Nông sản Việt Nam trong đó có hạt gạo cần phải đáp ứng các tiêu chuẩn của thế giới, điều này buộc chúng ta phải tư duy lại, tổ chức lại sản xuất để nâng tầm hạt gạo của mình, đem lại giá trị gia tăng cao nhất. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải tiếp tục đổi mới với tư duy kiến tạo, toàn diện, từ nền tảng thể chế, chính sách, pháp luật đến cấu trúc vận hành, phương thức quản trị và công nghệ sản xuất lúa, gạo, để tạo ra cuộc cách mạng về chất, để gạo Việt Nam đáp ứng tốt hơn nhu cầu tiêu dùng ở châu Á và thế giới, đem lại giá trị gia tăng cao hơn cho người trồng lúa và các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu lúa, gạo...
Để làm tốt những vấn đề trên, các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp thời gian tới cần phải sử dụng linh hoạt đất trồng lúa phù hợp với mục tiêu an ninh lương thực, tình hình thị trường và biến đổi khí hậu; điều chỉnh quy mô sản xuất lúa theo hướng mở rộng hạn điền phù hợp; hình thành các vùng chuyên canh lúa... Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho nghiên cứu khoa học công nghệ trong nông nghiệp; chọn lọc, lai tạo giống lúa năng suất, chất lượng cao, phù hợp với yêu cầu của thị trường; quá trình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị giữa người dân với các doanh nghiệp, gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ, bảo quản, giảm tổn thất sau thu hoạch đối với lúa, gạo cần được chú trọng hơn. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, loại bỏ các "nút thắt" về thể chế để tạo sân chơi bình đẳng giữa các doanh nghiệp tham gia chế biến và xuất khẩu lúa, gạo... giúp cho hạt gạo Việt vươn xa, đem lại lợi ích cho người nông dân và doanh nghiệp. Bên cạnh việc nghiên cứu, sản xuất lúa, gạo hướng tới đa mục tiêu, vừa thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, bảo đảm an toàn thực phẩm, bảo đảm an ninh lương thực thì việc giải quyết kịp thời các rào cản kỹ thuật với các nước liên quan đến xuất khẩu và xúc tiến thương mại cần phải được tính đến. Các cơ quan chức năng trên cơ sở tính toán nhu cầu trong nước, nhu cầu gạo của thế giới cần có kế hoạch sản xuất lúa, gạo phù hợp với từng thời điểm, từng giai đoạn.
HOÀNG GIA MINH