Cũng chẳng phải chỉ riêng người dân ở vùng sâu, vùng xa mới bị hổng kiến thức pháp luật mà ngay cả ở những đô thị lớn, rất nhiều người vẫn thản nhiên vi phạm pháp luật như điều khiển phương tiện giao thông đi lên vỉa hè dành cho người đi bộ, lấn chiếm vỉa hè, lòng đường làm nơi kinh doanh buôn bán... Nhiều người trong số đó không ý thức được rằng mình làm như vậy là phạm luật. Vì vậy, họ tỏ thái độ khi bị người khác nhắc nhở, chống đối lực lượng chức năng hoặc cho rằng bị või vĩnh khi bị xử phạt…
Thực trạng ấy cho thấy, nếu không quan tâm đúng mức tới công tác phổ biến, giáo dục, tuyên truyền pháp luật, tình trạng người dân vi phạm pháp luật do thiếu kiến thức về pháp luật sẽ còn tiếp diễn. Đây là thách thức với tính nghiêm minh của pháp luật, với an ninh, trật tự an toàn xã hội.
 |
Ảnh minh họa/ TTXVN. |
Tuy nhiên, việc phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật, kể cả trong trường học, trong các cơ quan, tổ chức lẫn ngoài cộng đồng xã hội lại chưa được chú trọng đúng mức. Các hoạt động phổ biến pháp luật còn thưa thớt. Cùng với đó, người dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động vẫn thiếu ý thức tự tìm hiểu về pháp luật, khi đến dự các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật thì chỉ “đánh trống ghi tên”. Trong trường học, các tiết học Kể chuyện, Đạo đức, Giáo dục công dân vốn có lồng ghép các nội dung giáo dục pháp luật cũng chưa được cả giáo viên và học sinh coi trọng, vẫn thường bị thay thế bằng các tiết học tăng cường cho Toán, Tiếng Việt… Do ít có hoạt động phổ biến, ít hình thức phổ biến nên nhiều luật đã có từ lâu nhưng không được nhiều người biết tới.
Điều đáng mừng là trong thực tế cuộc sống vẫn có những mô hình tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật rất hiệu quả. Ví như mô hình mỗi cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng là một tuyên truyền viên pháp luật; mô hình sân khấu hóa hoạt động tuyên truyền pháp luật, tủ sách pháp luật, mô hình "Mỗi ngày một điều luật"... ở các đơn vị quân đội; hoặc mô hình “Sách nói pháp luật dành cho người khiếm thị”… Những mô hình hay và những con người tâm huyết với việc phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật giúp các tầng lớp nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa hiểu nhiều hơn về luật pháp, biết rõ hơn việc làm nào là vi phạm pháp luật, từ đó điều chỉnh hành vi theo hướng tích cực hơn.
Giá như ở đâu cũng có những mô hình hay, những con người tâm huyết như thế, hẳn công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật sẽ đạt hiệu quả cao hơn rất nhiều.
THÙY LÂM