Thời gian qua, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành đều đã tiến hành rà soát, sửa đổi quy định để tạo hành lang thông thoáng cho nhiều ngành nghề sản xuất, kinh doanh. Trong lĩnh vực hải quan, để đẩy nhanh tốc độ thông quan, hàng hóa đã được phân luồng quản lý thành “luồng xanh, luồng vàng, luồng đỏ”, áp dụng kê khai hải quan điện tử. Trong lĩnh vực nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng một dự thảo nghị định duy nhất, quy định điều kiện đầu tư kinh doanh cho toàn bộ 8 lĩnh vực thuộc quản lý chuyên ngành của bộ...
Tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là: Kiên quyết cắt giảm các quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh, loại bỏ các giấy phép con bất hợp lý, không đặt ra các quy định mới gây khó khăn cho hoạt động đầu tư, kinh doanh; quy định về điều kiện đầu tư phải rõ ràng, minh bạch, dễ thực hiện; đơn giản hóa khâu tiền kiểm, tăng cường hậu kiểm, tạo thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh, tạo động lực cho phát triển.
Vừa qua, một số doanh nghiệp thủy sản bức xúc vì bị xử phạt do nguyên liệu thủy sản nhập khẩu để chế biến xuất khẩu lưu tại kho của các doanh nghiệp trên chỉ có nhãn tiếng Anh, không có nhãn phụ tiếng Việt; trong khi theo doanh nghiệp, các nguyên liệu nhập khẩu đã phải tuân thủ các thỏa thuận về chất lượng trong các hợp đồng gia công với đối tác nước ngoài, nên việc dán nhãn, ghi nhãn phụ như với hàng hóa trong thị trường nội địa là không cần thiết. Nhận thấy kiến nghị của doanh nghiệp là hợp lý, Chính phủ đã chỉ đạo sửa ngay quy định. Để khắc phục nhanh, Chính phủ đã thống nhất với kiến nghị của Bộ Y tế ghi vào Nghị quyết Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11 chủ trương miễn ghi nhãn tiếng Việt với thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm, phụ gia thực phẩm nhập khẩu vào Việt Nam chỉ để sản xuất, gia công hàng xuất khẩu. Sau đó, Chính phủ sẽ sửa nghị định liên quan.
Về việc này, Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Chủ tịch Hội đồng Quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh nhìn nhận rằng: “Thực tế có tình trạng gian lận, nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất hàng tiêu thụ trong nước nhưng lại khai là để sản xuất, gia công xuất khẩu. Tuy nhiên, không thể vì một số ít doanh nghiệp vi phạm mà gây khó cho tất cả các doanh nghiệp”. Rõ ràng, đây là thông điệp rất mạnh mẽ trong việc tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp.
Hoạt động sản xuất kinh doanh không chỉ đơn thuần là hoạt động liên quan đến khía cạnh kinh tế, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến quốc phòng-an ninh, đến môi trường, đến an toàn xã hội, đến sức khỏe của từng người dân... Vì thế, việc đặt ra các quy định để quản lý là điều hết sức cần thiết. Tuy nhiên, đặt ra các quy định thế nào để vừa bảo đảm được hiệu quả quản lý Nhà nước, vừa tạo thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh là vấn đề luôn cần phải lưu tâm.
Trong cạnh tranh toàn cầu, để có thể vượt lên, nền kinh tế Việt Nam cần được vận hành ở một môi trường quản lý liêm chính, minh bạch, linh hoạt, hợp lý. Những nhà quản lý cần thường xuyên lắng nghe phản hồi của doanh nghiệp, rà soát các quy định để kịp thời gỡ những “nút thắt” bất hợp lý, giải phóng nguồn năng lượng cho phát triển.
HỒ QUANG PHƯƠNG