Đây cũng là yêu cầu then chốt để các địa phương biến tiềm năng, lợi thế thành động lực phát triển.
Làm việc tại tỉnh Phú Yên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, tiềm năng du lịch của tỉnh vẫn là viên kim cương thô quý hiếm rất cần bàn tay của người thợ khéo xứng tầm để gọt giũa, phát triển. Còn với Tuyên Quang, tỉnh đang có điều kiện vượt trội để phát triển sản phẩm gỗ từ rừng trồng. Với nhiều địa phương khác trên cả nước, không khó để nhận thấy mỗi nơi đều có thế mạnh riêng, tạo nên lợi thế so sánh trong thu hút đầu tư. Tuy nhiên, cần nhìn nhận thẳng thắn, không phải địa phương nào cũng tận dụng được ưu thế sẵn có để từ đó tạo đột phá trong phát triển kinh tế-xã hội. Một trong những yếu tố mấu chốt là môi trường ĐTKD phải bảo đảm thuận lợi, thông thoáng về thủ tục, giúp người dân, doanh nghiệp phát huy tinh thần năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm.
 |
Dây chuyền sản xuất nhíp ô tô của Công ty Cổ phần Ô tô Trường Hải. Ảnh: TTXVN |
Muốn một thắng cảnh đẹp trở thành điểm đến thu hút khách du lịch, trước hết địa phương cần có những cơ sở hạ tầng thiết yếu, như: Hệ thống giao thông, cơ sở lưu trú, điểm cung cấp dịch vụ... Hay với một vùng nguyên liệu, để xây dựng nhà máy sản xuất, cho ra đời sản phẩm đáp ứng được nhu cầu thị trường, cần quan tâm đến hạ tầng khu công nghiệp. Nhà đầu tư khi muốn tìm cơ hội làm ăn ở bất kỳ địa điểm nào đều có sự tìm hiểu rất kỹ. Vì vậy, việc "dọn tổ" là điều đầu tiên cần tính đến trước khi đón được "đại bàng". Có những chỉ số về môi trường ĐTKD hiện đã được đo lường và xếp hạng bởi các tổ chức uy tín trên thế giới, như: Khởi sự kinh doanh, tiếp cận điện năng, tiếp cận tín dụng, nộp thuế và bảo hiểm xã hội, giải quyết tranh chấp... Tại Việt Nam cũng có những đánh giá được thực hiện công phu như năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số cải cách hành chính... Đây là cơ sở để từng địa phương tự soi mình và có những bước cải tiến thích hợp.
Nhiều chuyên gia, nhà quản lý cho rằng, vấn đề quan trọng không phải là đón được doanh nghiệp quy mô lớn hay nhỏ mà cần hơn là sự phù hợp với điều kiện của từng địa phương. Ví như một địa phương phát triển du lịch thì bên cạnh lợi ích kinh tế mà doanh nghiệp mang lại cũng phải quan tâm đến bảo vệ môi trường, cảnh quan, gìn giữ thắng cảnh, di tích, xem đó là tài sản chung phục vụ cộng đồng. Môi trường ĐTKD thuận lợi còn cần hướng đến việc tạo công bằng, bình đẳng và niềm tin cho doanh nghiệp, chú trọng phát huy nội lực, sự am hiểu thị trường, tận dụng nhân lực, các điều kiện sẵn có của doanh nghiệp trong nước.
Công cuộc cải cách thể chế, cải thiện môi trường ĐTKD, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cần được thực hiện kiên trì, liên tục. Trên bước đường phát triển, nếu dừng lại tức là đang tụt hậu. Vì vậy, muốn duy trì lợi thế cạnh tranh của từng địa phương, rộng hơn là cả đất nước, không chỉ cần quyết tâm mà còn phải bằng những giải pháp thiết thực, hiệu quả, tập trung vào tháo gỡ vướng mắc đang đặt ra. Từ đó, tiếp tục xây dựng những điểm tựa vững chắc cho tăng trưởng kinh tế đất nước.
ĐỖ MẠNH HƯNG