Đáng lo là không chỉ riêng Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh mà theo Bộ Y tế, tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế đang diễn ra ở nhiều bệnh viện, cơ sở y tế trên cả nước, không chỉ đối với các loại máy móc chuyên dụng, biệt dược mà cả các loại thuốc, vật tư y tế thông dụng trong danh mục bảo hiểm y tế cho người bệnh.

Tình trạng này diễn ra nhiều tháng nay và ngày càng căng thẳng, ảnh hưởng đến chất lượng khám, chữa bệnh, gây nguy hiểm cho sinh mạng người bệnh, nên rất cần có giải pháp tháo gỡ ngay.

 Ảnh minh họa: suckhoedoisong.vn

Theo Bộ Y tế, nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng trên là do tâm lý lo ngại, sợ sai, sợ thanh tra, kiểm tra nên không dám đấu thầu, mua sắm dù đã được giao quyền tự chủ. Một số địa phương giao cho các đơn vị chủ động tự đấu thầu thay vì đấu thầu tập trung như trước, nhưng các đơn vị vẫn tỏ ra lúng túng, e ngại trong tổ chức thực hiện.

Một số doanh nghiệp, nhà cung cấp cũng e ngại trong việc cung ứng hàng hóa cho các đơn vị công do liên quan đến giá chưa hợp lý, thủ tục đấu thầu, thủ tục thanh toán phức tạp, khó khăn. Gần đây, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) đã ban hành danh mục gia hạn hơn 6.200 giấy đăng ký lưu hành thuốc. Đây là động thái mới nhất để tháo gỡ vấn đề cung ứng thuốc. Nhưng để giải quyết được triệt để tình hình thì cần các giải pháp căn cơ hơn.

Có thể thấy, việc thiếu thuốc, vật tư y tế thời điểm hiện nay là điển hình của vấn đề do dự, sợ trách nhiệm trong việc thực thi công vụ, để rồi gây hại cho việc chung. Câu hỏi đặt ra là, nếu cán bộ “dĩ công vi thượng”, không tham lam, làm đúng quy định của pháp luật thì có gì mà sợ?

Điều này hoàn toàn đúng! Tuy nhiên, cũng không vì thế mà các cơ quan hữu quan chủ quan cho rằng các quy định của pháp luật đã hoàn bị rồi, trách nhiệm hoàn toàn thuộc về cán bộ thực thi. Việc nghiên cứu, đề ra các quy định của pháp luật phù hợp hơn với điều kiện, hoàn cảnh mới là yêu cầu thường xuyên, liên tục, mà cụ thể ở đây là các quy định, quy trình liên quan đến đấu thầu thuốc và vật tư y tế.   

Trong hai năm qua, do tác động của dịch Covid-19, những quy định của luật pháp về mua sắm, đấu thầu theo cách thông thường không dễ áp dụng. Hơn nữa, vừa qua, ngành y tế xảy ra khá nhiều tiêu cực, chủ yếu ở những người lãnh đạo, rồi bộ phận quan trọng là thẩm định thầu, vì vậy một số cán bộ thẩm định thầu bỏ, không làm nữa. Ngay cả các cấp có thẩm quyền như Bộ Y tế, các sở y tế cũng đang vướng mắc, lúng túng.

Có một thực tế là, xã hội hóa, tự chủ bệnh viện là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, trong các quy định của luật pháp có những điểm chưa cụ thể, chưa rõ ràng nên khi làm rất dễ bị vướng, cố làm sẽ sai phạm. Vì vậy, trong thời gian tới, những người làm luật cần bàn thảo để có những sửa đổi căn cơ, bài bản hơn, thúc đẩy vấn đề xã hội hóa. 

Thấy được những bất cập, khó khăn chưa có tiền lệ xảy ra trong thời gian dịch giã, Quốc hội đã kịp thời có Nghị quyết số 30/2021/QH15, Nghị quyết số 43/2022/QH15; Ủy ban Thường vụ Quốc hội có Nghị quyết số 12/2021/UBTVQH15 để làm cơ sở pháp lý cho các cấp quản lý triển khai mà không vi phạm những điều luật chưa quy định. Do đó, cần phải dựa trên tinh thần của những văn bản này để xử lý các vướng mắc. Vừa qua, Quốc hội đã thảo luận về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).

Về lâu dài, cần xây dựng Luật Dự phòng và kiểm soát bệnh tật. Luật Bảo hiểm y tế, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu cần được rà soát lại để làm rõ, nếu cần thiết thì sửa đổi các quy định liên quan đến lĩnh vực y tế như giá, đấu thầu mua sắm, quản lý và sử dụng vật tư công, về xã hội hóa, liên doanh liên kết, tự chủ bệnh viện...

Y tế là ngành đặc thù. Xét về quản lý thì đây là ngành kinh doanh có điều kiện. Nhưng xét dưới khía cạnh đạo đức xã hội thì ai cũng mong những người hoạt động trong lĩnh vực này ý thức được rằng trị bệnh cứu người là sứ mệnh thiêng liêng hơn nhiều khuôn khổ của một ngành kinh doanh.

Do đó, để hệ thống y tế được vận hành suôn sẻ thì không chỉ cần sự minh bạch, đúng đắn của các quy định pháp luật, mà còn cần lắm y đức, tấm lòng của những người hoạt động trong lĩnh vực này.

HỒ QUANG PHƯƠNG