Việc NLĐ không được đóng bảo hiểm đầy đủ không chỉ khiến quyền lợi của họ bị xâm phạm, quỹ BHXH, BHYT thâm hụt, mà điều này cũng ảnh hưởng đến chính sách của Đảng, Nhà nước về an sinh xã hội. Với chính sách nhân văn của Nhà nước ta, BHXH, BHYT, BHTN đang ngày càng trở thành vấn đề thiết thân với NLĐ và nó cần được “phủ sóng” trên diện rộng đến mọi người dân.
Tình trạng DN trốn đóng, nợ bảo hiểm của NLĐ diễn ra phổ biến và gây nhiều hệ lụy. Hậu quả dễ thấy nhất là khi NLĐ bị mất việc, muốn được tiếp tục giải quyết các chế độ liên quan đến quyền lợi của mình thì không thể thực hiện được do DN không đóng hoặc nợ bảo hiểm với cơ quan Nhà nước.
 |
Ảnh minh họa. TTXVN. |
Do những điều kiện cả chủ quan và khách quan, nhiều NLĐ không nắm được quyền lợi của mình về chính sách bảo hiểm nên khi xảy ra tình huống, phần thiệt thòi hoàn toàn thuộc về NLĐ. Tình trạng NLĐ sợ mất việc làm mà không dám đấu tranh với chủ sử dụng lao động không phải là hiếm. Từ sự thiếu hiểu biết, một số NLĐ lại đi thỏa thuận với chủ sử dụng lao động không phải nộp các loại bảo hiểm. Khi gặp các vấn đề không mong muốn như thất nghiệp, ốm đau, thai sản... họ đã mất quyền lợi chính đáng. Điều này cũng vô tình khiến NLĐ tiếp tay cho DN trục lợi bảo hiểm.
Vì sao có những DN không đóng, nợ đọng bảo hiểm kéo dài? Nguyên nhân mà các DN thường đưa ra là do việc làm ăn không hiệu quả, DN dừng hoạt động, phá sản… Tuy nhiên, ngoài một số lý do có thật thì cũng không ít DN cố tình để nợ kéo dài, ý thức chấp hành pháp luật rất kém, mang tư tưởng làm ăn chộp giật. Theo các chuyên gia trong lĩnh vực này, các DN đang lợi dụng chính sách nhân văn của Nhà nước để trục lợi. Có một thực tế là do lãi suất quy định đối với DN nếu chậm đóng bảo hiểm thấp hơn lãi suất thực tế đi vay ngân hàng khiến họ cố tình đóng chậm với mục đích chiếm dụng tiền bảo hiểm để làm vốn. Điều này, tạo ra sự không công bằng giữa các DN. Bên cạnh đó, không ít DN cố tình lách luật bằng các hợp đồng thời vụ, hoặc ký loại hợp đồng không làm phát sinh nghĩa vụ đóng BHXH bắt buộc...
Để khắc phục tình trạng trốn đóng, nợ đọng bảo hiểm của NLĐ kéo dài, ngoài các biện pháp mạnh của cơ quan chức năng, cần sự vào cuộc của hệ thống chính trị các cấp. Thậm chí, cần chú trọng những biện pháp rất mạnh, có tính cảnh báo, răn đe như chuyển hồ sơ vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật sang cơ quan điều tra, khởi tố hoặc tiến hành khởi kiện... Cùng với đó, hệ thống luật pháp quy định các chế tài về việc này phải thuận lợi để không chỉ NLĐ, tổ chức công đoàn mà một số cơ quan chức năng khác cũng có thể thay mặt NLĐ khởi kiện DN chây ỳ đóng bảo hiểm. Theo quy định tại Điều 216 Bộ luật Hình sự năm 2015, từ ngày 1-1-2018, tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho NLĐ sẽ bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 3 tỷ đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 7 năm tùy mức độ vi phạm.
Từ những thực tế đã xảy ra, đòi hỏi NLĐ cần nhận thức đúng về chính sách BHXH, BHYT, BHTN để tự bảo vệ quyền lợi của mình. NLĐ cần chú ý, không thỏa hiệp với những việc làm sai của chủ sử dụng lao động. Để bảo vệ quyền lợi NLĐ thì tổ chức công đoàn phải thực sự sâu sát, giám sát chặt chẽ, là chỗ dựa vững chắc cho NLĐ, đặc biệt trong vấn đề đấu tranh với chủ sử dụng lao động vi phạm thỏa thuận lao động. Tổ chức công đoàn cũng phải đi đầu trong việc giúp NLĐ khởi kiện chủ sử dụng lao động vi phạm chính sách bảo hiểm đối với mình. Với ngành bảo hiểm, biện pháp tiên quyết là thực hiện thanh tra, kiểm tra, xử phạt nghiêm DN, chủ sử dụng lao động không thực hiện nghĩa vụ của mình. Cùng với đó, chính quyền địa phương và các ngành chức năng cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật, các chính sách, các chế tài pháp luật về chế độ bảo hiểm cho NLĐ và DN, chủ sử dụng lao động. Thực hiện tốt chính sách bảo hiểm chính là động lực quan trọng để NLĐ yên tâm, gắn bó với công việc, đồng thời đây cũng là chỗ dựa thiết thân khi họ sa cơ lỡ bước.
NGUYỄN TUẤN