Để kết quả năm sau cao hơn năm trước thì ngoài các chủ trương, mục tiêu, giải pháp thì cấp ủy, chỉ huy các cấp luôn đặc biệt coi trọng việc xây dựng chương trình hành động, kế hoạch thực hiện nhiệm vụ trong năm, trong quý đến kế hoạch từng tháng, từng tuần, từng ngày.

Để nâng cao chất lượng công việc, ngay từ những ngày đầu, tháng đầu, từng giai đoạn và cả năm thì chương trình, kế hoạch của từng địa phương, mỗi cơ quan, đơn vị phải được xây dựng thật khoa học.

Cuối năm là thời điểm các cơ quan, đơn vị tổng kết những việc đã làm được, chưa làm được của năm cũ, đồng thời phải xác định nhiệm vụ trọng tâm của năm tới. Ảnh minh họa / qdnd.vn

Kế hoạch đó là sự cụ thể hóa chỉ thị, nghị quyết, mệnh lệnh của cấp trên và cấp mình thành các chỉ tiêu, biện pháp, công việc cụ thể, rõ ràng để các tập thể, cá nhân nắm chắc và triển khai thực hiện nghiêm túc. Quá trình thực hiện, lãnh đạo, chỉ huy phải nắm chắc tình hình, chủ động điều chỉnh linh hoạt, sát thực tiễn, bảo đảm chất lượng, hiệu quả công việc, từng bước bổ sung, điều chỉnh kế hoạch một cách linh hoạt để hoàn thành nhiệm vụ chính trị trung tâm.

Chương trình, kế hoạch được xây dựng rõ ràng, khoa học sẽ là tiền đề để nâng cao chất lượng hiệu quả công việc. Tuy nhiên, trong thực tiễn, không ít cấp ủy, chỉ huy cơ quan, đơn vị chỉ sao chép, chỉnh sửa chương trình, kế hoạch của cơ quan cấp trên cho có rồi để gọn trên giá sách hay trong tủ tài liệu.

Các chương trình, kế hoạch này không truyền tải được nội dung, yêu cầu, nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị; không cụ thể hóa các chỉ tiêu, nhiệm vụ, biện pháp; không phân công, gắn rõ trách nhiệm với các tổ chức, cá nhân; các quy định thời gian thực hiện, chỉ mang tính chất chung chung.

Hậu quả của những chương trình, kế hoạch này sẽ dẫn tới các tập thể, cá nhân không làm hoặc làm không hết chức trách, nhiệm vụ; dẫn đến đùn đẩy trách nhiệm, thiếu tính chủ động, tự giác trong công việc. Chắc chắn các nhiệm vụ, chỉ tiêu của cơ quan, đơn vị sẽ không thể hoàn thành, hoặc hoàn thành ở mức thấp.

Vì thế, việc xây dựng chương trình, kế hoạch khoa học, sát thực tiễn là công việc cần được coi trọng, phát huy được trí tuệ của tập thể và từng cá nhân. Muốn làm được điều đó, trước hết người đứng đầu phải nắm chắc và đánh giá đúng thực tiễn tình hình; quán triệt, nghiên cứu kỹ các chỉ thị, nghị quyết, mệnh lệnh của cấp trên, nhất là những chỉ tiêu, nội dung, biện pháp có tính đột phá, những điểm mới trong thực hiện nhiệm vụ để chỉ đạo, hướng dẫn cơ quan, đơn vị xây dựng chương trình, kế hoạch sát, đúng, cụ thể; kịp thời chấn chỉnh tư duy xây dựng chương trình, kế hoạch để kịp phục vụ hội nghị, phục vụ kiểm tra. Mặt khác, trách nhiệm người đứng đầu, của cơ quan cấp trên là phải thẩm định chặt chẽ trước khi đặt bút phê duyệt.

Với vai trò được phân công trực tiếp xây dựng chương trình, kế hoạch, lãnh đạo, chỉ huy các cấp, cán bộ phụ trách phải phát huy tính chủ động, sáng tạo, bám sát nghị quyết, kế hoạch, hướng dẫn của trên để tham mưu, đề xuất các chỉ tiêu, nội dung, biện pháp thực hiện cụ thể, sát với thực tế cơ quan, đơn vị. Bên cạnh đó, phát huy dân chủ trong đơn vị để cán bộ, đảng viên, quần chúng tham gia hiến kế, đóng góp xây dựng chương trình, kế hoạch của địa phương, cơ quan, đơn vị, tổ chức .

Trong quá trình triển khai nhiệm vụ, cán bộ, chỉ huy cần linh hoạt trong tổ chức, điều hành; đi sâu, đi sát, kiểm tra để nắm người, nắm việc, nắm tình hình, theo dõi kết quả thực hiện; chủ động nắm bắt chỉ đạo của trên, nhất là những nhiệm vụ đột xuất để bàn bạc, thống nhất trong cấp ủy, chỉ huy, kịp thời và linh hoạt điều chỉnh, bổ sung vào chương trình, kế hoạch của địa phương, cơ quan, đơn vị, nhằm thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao.

SƠN BÌNH