Trong kho tàng văn hóa dân gian Việt Nam, có nhiều câu nói về sự hy sinh vô bờ bến của cha mẹ: “Mẹ cha gánh vác hy sinh/ Mẹ cha quên cả thân mình vì con”; “Hy sinh đời bố, củng cố đời con”. Đặc biệt, đối với người mẹ từng phải mang nặng đẻ đau, tình yêu thương dành cho con đã biến thành sự hy sinh đến mức quên cả bản thân mình: “Nuôi con chẳng quản chi thân/ Chỗ ướt mẹ nằm, chỗ ráo con lăn”; “Gió mùa thu mẹ ru con ngủ/ Năm canh chầy thức đủ năm canh”...
 |
Ảnh minh họa. Nguồn: dantri.com.vn |
Đức hy sinh là một phẩm chất tốt đẹp của các bậc làm cha, làm mẹ nói chung, của người phụ nữ Việt Nam nói riêng. Nhưng trong xã hội hiện đại, chúng ta cần nhận thức thấu đáo hơn về hai chữ “hy sinh” của cha mẹ đối với con cái.
Hy sinh, bên cạnh ý nghĩa là cái chết vì đất nước, cộng đồng và vì nghĩa vụ, lý tưởng cao đẹp, còn có nghĩa là tự nguyện nhận về mình sự vất vả, thiệt thòi, mất mát nào đó vì một mục đích nhân văn. Cha mẹ chịu khó làm lụng lam lũ vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc của con cái là lẽ thường tình. Cha mẹ nhận lấy gian truân về mình để mong con cái được hưởng an nhàn cũng là điều dễ hiểu.
Thời nay, hầu hết các cặp vợ chồng chỉ sinh từ 1 đến 2 con. Mô hình gia đình hạt nhân dần thay thế mô hình gia đình truyền thống với nhiều thế hệ cùng sinh sống dưới một mái nhà. Đặc điểm đó tạo ra cơ hội cho các gia đình có điều kiện nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con cái thuận lợi hơn; nhưng đồng thời cũng dễ nảy sinh tâm lý bao bọc, chiều chuộng con một cách thái quá, dễ làm cho trẻ được hưởng thụ quá nhiều quyền lợi mà không nhận thức đúng vai trò, bổn phận, trách nhiệm của mình đối với cha mẹ, gia đình, rộng hơn là đối với cộng đồng, xã hội. Theo các chuyên gia tâm lý giáo dục, tỷ lệ trẻ vị thành niên có hành vi lệch chuẩn đạo đức, văn hóa và vi phạm pháp luật những năm gần đây có xu hướng gia tăng xuất phát một phần sâu xa là thiếu sự giáo dục, quản lý đến nơi đến chốn của cha mẹ, gia đình. Trong đó, sự hy sinh thái quá của cha mẹ đối với con cũng là một trong những nguyên nhân làm cho đứa trẻ sinh hư.
Cha mẹ nào cũng muốn con cái ngoan ngoãn, tiến bộ, trưởng thành, hạnh phúc. Ước mong “Con hơn cha là nhà có phúc”, “Hậu sinh khả úy” của các bậc phụ huynh là nguyện vọng chính đáng và thể hiện giá trị nhân văn của thế hệ đi trước đối với thế hệ đi sau. Vấn đề là ở chỗ, để ước muốn ấy trở thành hiện thực thì mỗi ông bố, bà mẹ rất nên, rất cần thấu hiểu và thực hiện hai chữ “hy sinh” đối với con cái một cách đúng cách, đúng mức, đúng lúc, đúng chỗ. “Đúng cách” để làm cho con không được đòi hỏi quá đáng. “Đúng mức” để làm cho con không tự cho mình cái quyền thích gì được nấy. “Đúng lúc” để làm cho con không có thái độ phiền hà, nũng nịu người khác một cách vô lối. “Đúng chỗ” để làm cho con biết được giới hạn chịu đựng của cha mẹ, nếu đi quá đà là lợi bất cập hại.
Hơn thế, phải làm sao cho mỗi đứa con thấm thía được sự hy sinh của cha mẹ để tạo cho các em có động cơ, thái độ tự giác học tập, tu dưỡng, rèn luyện tốt hơn, qua đó mang lại niềm tin, niềm vui, hạnh phúc cho các bậc sinh thành. Hy sinh đúng cách là thái độ ứng xử khoa học, nhân văn của cha mẹ đối với con cái để góp phần xây dựng gia đình hạnh phúc và vun trồng “tế bào của xã hội” lành mạnh.
PHÚC NỘI