Chưa có con số thống kê chính xác số lượng chuyên gia, nhà khoa học của Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài, nhưng chắc chắn đây là số lượng không nhỏ trong tổng số 4,5 triệu người Việt Nam đang ở nước ngoài. Nhiều nhà khoa học Việt Nam có trí tuệ mang tầm thế giới. Chất xám của họ là nguồn tài nguyên quý của quốc gia, nếu được tận dụng tốt sẽ là một động lực cho phát triển đất nước. Điều này càng được đặt ra cấp thiết, khi Việt Nam đang đặt mục tiêu đón đầu cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để tăng tốc phát triển.
Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước rất trân trọng nguồn tài nguyên ấy, đã kêu gọi và có nhiều chính sách ưu đãi thu hút các nhà khoa học Việt Nam ở trên thế giới về đóng góp xây dựng đất nước. Thực tế là trung bình mỗi năm đã có khoảng 300 chuyên gia, nhà khoa học Việt Nam từ nước ngoài về nước làm việc. Thế nhưng, con số chuyên gia, các nhà khoa học về nước ấy còn thấp hơn rất nhiều so với nhu cầu của đất nước và mong muốn của các nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài.
Những nguyên nhân chính khiến số lượng các nhà khoa học Việt Nam về nước chưa nhiều như mong muốn được cho là: Lương-chế độ đãi ngộ chưa tương xứng; công việc chưa phù hợp với sở trường, trình độ; môi trường làm việc thiếu chuyên nghiệp và cơ hội phát triển chưa cao. Không thể phủ nhận lương-chế độ đãi ngộ luôn là vấn đề đầu tiên cần phải quan tâm nếu muốn thu hút nhân lực chất lượng cao. Tuy nhiên, với nhiều trí thức thì lương-chế độ đãi ngộ không phải là yếu tố quyết định. Chẳng thế mà tiến sĩ Nguyễn Bá Hải-một chuyên gia trong ngành tự động hóa, đã bỏ một công việc cho thu nhập cao tại Hàn Quốc để trở về Việt Nam, làm việc tại Đại học Sư phạm kỹ thuật TP Hồ Chí Minh, với đồng lương ít ỏi theo bậc ngạch của Nhà nước. Nguyễn Bá Hải đã nghiên cứu, sản xuất ra chiếc kính dẫn đường cho người mù-một dự án phi lợi nhuận. Với anh, được làm những việc có ý nghĩa cho đất nước là một niềm hạnh phúc. Hay nhiều chuyên gia đã bỏ công việc lương cao ở nước ngoài để về Viettel, FPT làm công việc nghiên cứu, phát triển các sản phẩm công nghệ cao. Trao đổi với tôi, những chuyên gia nói trên cho biết, họ hội tụ từ khắp nơi trên thế giới, họ coi việc được cùng nhau làm những dự án nghiên cứu có ý nghĩa lớn cho đất nước là một vinh dự, thể hiện được khát vọng, khẳng định trí tuệ người Việt Nam. Nó vất vả hơn, nhưng sang trọng hơn việc đi làm thuê cho công ty nước ngoài. Lãnh đạo của Viettel, FPT cũng công nhận rằng, dù đã có những cơ chế lương riêng, nhưng hiện nay rất khó dùng mức lương để “đấu” với những công ty quốc tế, mà điều cần thiết là phải khơi dậy niềm tự hào dân tộc, tạo ra sức cuốn hút với công việc khi trở về nước với các trí thức Việt Nam ở nước ngoài.
Từ đó có thể thấy rằng, việc khơi dậy khát vọng dân tộc, tạo ra động lực làm việc, tạo ra môi trường làm việc tốt với những người đồng chí hướng là điều vô cùng quan trọng để thu hút nhân lực Việt Nam chất lượng cao. Trong thời gian vừa qua, lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã thể hiện quyết tâm gỡ bỏ những rào cản thể chế, cơ chế để tạo thuận lợi cho phát triển đất nước, trong đó có việc tạo ra các chế độ đãi ngộ đặc biệt để thu hút các chuyên gia, các nhà khoa học Việt Nam đang ở nước ngoài đóng góp cho đất nước.
Ở chiều ngược lại, những người con Việt Nam ở trên thế giới cũng cần phải coi những mặt còn hạn chế của đất nước là động lực, là cơ hội để thể hiện tài năng, tránh tư tưởng mặc cảm, so bì, tư tưởng định kiến sai lầm về đất nước. Tôi rất thích một ý của giáo sư kinh tế học Trần Hữu Dũng hiện đang làm việc ở Mỹ rằng, trí thức Việt Nam dù đang sống ở đâu cũng đóng góp được cho quê hương. Có nghĩa là dù đã trở về nước, hay vì vướng bận lý do cá nhân, gia đình nào đó mà chưa thể thu xếp về nước làm việc thì các chuyên gia, các nhà khoa học Việt Nam đang ở nước ngoài cũng phải luôn hướng về Tổ quốc, dành tâm sức, trí tuệ, nỗ lực đóng góp để xây dựng Tổ quốc.
Người Việt Nam ở đâu cũng cần có một mục tiêu chung là cùng nỗ lực để xây dựng đất nước ngày càng phát triển hơn, tươi đẹp hơn. Mục tiêu chung ấy sẽ là định hướng giúp mỗi người bỏ qua những sự khác biệt, để cùng bắt tay hành động, hội tụ chất xám, trí tuệ Việt Nam trên toàn cầu.
HỒ QUANG PHƯƠNG