Năm nào cũng vậy, mỗi khi bão lớn, lũ dữ đi qua, cũng là lúc những phong trào kêu gọi quyên góp tiền bạc, vật chất, nhất là các nhu yếu phẩm cần thiết, lại được phát động nhằm giúp đỡ đồng bào vùng thiên tai. Việc quyên góp có thể do tổ chức, đoàn thể kêu gọi, có thể do cá nhân tự phát đứng ra thực hiện. Nhưng, dù với hình thức nào, hoạt động này đều chung một mục đích, một tinh thần nhân văn cao cả. Và hình ảnh những đoàn xe từ miền ngược tới miền xuôi, từ Nam chí Bắc, hối hả về với bà con để động viên, sẻ chia, hỗ trợ sớm nhất, giúp đồng bào gặp nạn vơi bớt khó khăn-đã trở thành nét đẹp văn hóa, đoàn kết cao cả của người Việt Nam ta. 

Tuy nhiên, thực tiễn công tác cứu trợ, hỗ trợ sau bão lũ những năm qua vẫn còn những điểm khiến chúng ta phải băn khoăn, trăn trở. Đó là việc hỗ trợ có lúc, có nơi chưa đúng đối tượng, cá biệt còn có hiện tượng trục lợi từ hoạt động này; hỗ trợ chưa đạt đến tính đồng đều tương đối, nhất là chưa tiếp cận mang tính rộng rãi đến những nơi thiệt hại nặng do thiên tai, những người dân thực sự khó khăn, bần cùng do mưa bão. Mặt khác, quá trình cứu trợ có những lúc còn thiếu sự điều phối, cân đối, kết nối cần thiết giữa chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng với các tổ chức, cá nhân đi cứu trợ, dẫn đến sự “chồng lấn”, “thiếu, thừa cục bộ” ở từng địa phương, khu vực; mặt hàng cứu trợ đôi lúc còn chưa thực sự là thứ cấp thiết đối với người gặp nạn...

Ca nô của lực lượng chức năng được huy động đưa hàng cứu trợ tới người dân bị cô lập do lũ tại Quảng Bình tháng 10-2020. Ảnh minh họa: TTXVN 

Tình cảm, trách nhiệm, nguồn lực xã hội đối với hoạt động cứu trợ bão, lũ rất dồi dào. Song, để hoạt động cứu trợ ngày càng thiết thực, hiệu quả, cần phải có nhiều giải pháp cụ thể, trong đó cần chú trọng công tác thông tin, tuyên truyền kịp thời, trung thực về những khu vực, địa bàn bị thiệt hại do mưa bão; cần tạo được sự kết nối cần thiết giữa chính quyền địa phương với các tổ chức, cá nhân tham gia cứu trợ, qua đó thực hiện tốt công tác điều phối, hỗ trợ cần thiết để hàng cứu trợ đến đúng nơi cần đến; phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể các địa phương trong phối hợp với các đoàn cứu trợ; lực lượng đi cứu trợ cũng cần nghiên cứu kỹ địa bàn, nhu cầu thực tế của người dân để có cách hỗ trợ phù hợp... Ngoài ra, cần giải quyết được vấn đề mang tính mấu chốt là phải công khai, minh bạch thực sự, thực chất trong hoạt động cứu trợ. Công khai, minh bạch sẽ giúp các tổ chức, cá nhân đi cứu trợ và chính quyền địa phương bị bão, lũ thực hiện đúng nghĩa vụ của mình; giúp các cơ quan chức năng và cộng đồng xã hội kiểm soát hàng cứu trợ được phát đủ số lượng, đúng đối tượng, đúng địa chỉ hay không; giúp các tổ chức, cá nhân đi cứu trợ có thông tin cần thiết để biết được nơi mình cần đến, người mình cần gặp; giúp những người hảo tâm có niềm tin để gửi gắm tấm lòng, của cải của mình vào các cá nhân, tổ chức đại diện cho mình đi cứu trợ mà không phải thấp thỏm, băn khoăn “liệu quà của mình có đến được với người cần nhận?”...

Thiên tai thường xuyên tái diễn và hỗ trợ người dân vùng chịu thiệt hại luôn là công việc đặc biệt quan trọng, cần sự chung tay, góp sức của toàn xã hội. Bên cạnh hỗ trợ “con cá”-các loại nhu yếu phẩm cần thiết, công tác cứu trợ cũng cần hướng đến việc trang bị cho bà con chiếc “cần câu”-sinh kế cần thiết để tái thiết cuộc sống một cách bền vững, lâu dài.

PHẠM HOÀNG HÀ