Khoảng trống thông tin này đã tạo cơ hội để đối tượng xấu lợi dụng, đưa ra những phân tích tiêu cực, thậm chí xuyên tạc, tạo ra sự đồn đoán thiếu căn cứ, gây nghi ngờ, nhiễu loạn thông tin, ảnh hưởng tới uy tín của các cơ quan công quyền và cá nhân một số cán bộ lãnh đạo ở cả Trung ương, địa phương.

Để góp phần hạn chế tình trạng nhiễu loạn thông tin, kịp thời đồng hành với các cơ quan hữu quan làm rõ thực trạng, tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, giải quyết những vấn đề thực tế cuộc sống đặt ra, trong hai cuộc họp mới đây, cả Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương (phụ trách công tác giám sát của Quốc hội) đều nêu yêu cầu các cơ quan của Quốc hội phải kịp thời tổ chức những phiên giải trình (tương tự như chất vấn nhưng tổ chức ở cấp ủy ban của Quốc hội) về các vấn đề nổi lên, nhận được sự quan tâm đặc biệt từ cử tri, nhân dân. 

leftcenterrightdel
Ảnh minh họa / tuyengiao.vn 

Lâu nay, Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức thành công các phiên chất vấn. Những vấn đề được lựa chọn chất vấn đều rất thiết thực, nhận được sự quan tâm đặc biệt của cử tri, nhân dân. Tuy nhiên, trước yêu cầu ngày càng cao của thực tiễn cuộc sống, những vấn đề nóng được dư luận quan tâm ngày càng nhiều. Nếu việc gì cũng chờ đến khi Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức chất vấn thì vừa quá tải vừa không đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi mang tính cấp bách của thực tiễn. Việc các cơ quan của Quốc hội kịp thời tổ chức phiên giải trình, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương giải đáp cặn kẽ những vấn đề cử tri, nhân dân quan tâm sẽ góp phần rất tích cực để hạn chế luồng thông tin sai trái, xấu độc lan tràn từ mạng xã hội ra đến đời thực như thời gian qua. Đó cũng là mong muốn của đông đảo cử tri, nhân dân trên cả nước.

Để các phiên giải trình do Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức đạt hiệu quả, rất cần sự tham gia của các cơ quan thông tấn, báo chí dự đưa tin, thậm chí có thể tổ chức truyền hình, phát thanh trực tiếp để cử tri, nhân dân theo dõi thông tin một cách đầy đủ, tránh sự cắt ghép, xuyên tạc. Đồng thời, các cơ quan của Quốc hội cũng cần có sự chuẩn bị chu đáo, kỹ càng cho các phiên giải trình để tránh xảy ra sự cố truyền thông. Mặt khác, cơ quan truyền thông, báo chí khi tham dự đưa tin về các phiên giải trình cũng cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, tránh đưa tin theo kiểu giật gân, "câu view"...

Chỉ khi các cơ quan tham gia các phiên giải trình đều nêu cao tinh thần trách nhiệm thì phiên giải trình mới thực sự thành công, góp phần xây dựng một bộ máy có tinh thần phục vụ tốt hơn, tiếp thêm động lực phát triển mới cho đất nước.

CHIẾN THẮNG