Nhìn lại thời điểm cách đây 10 năm-năm 2006, khi ấy Viettel còn nhỏ bé: Vừa mới khai trương mạng điện thoại di động được hai năm; lợi nhuận năm 2005 chỉ đạt hơn 300 tỷ đồng, tức là ít hơn hiện nay gần 150 lần; số lượng thuê bao ít nhất ở thị trường Việt Nam, với chỉ xấp xỉ 2 triệu khách hàng, ít hơn hiện nay 45 lần. Phòng làm việc của các lãnh đạo Viettel cũng nhỏ xíu. Thế mà từ những phòng làm việc nhỏ xíu ấy, chiến lược đầu tư toàn cầu đã được vạch ra, với quy mô thị trường lên tới cả tỷ người.

leftcenterrightdel
Ảnh minh họa. 

Ai dám vạch ra chiến lược như vậy cho một doanh nghiệp nhỏ bé, tưởng như còn đang mong manh, đang bị chèn ép ở ngay chính thị trường nội địa, nếu không phải là những con người có tầm vóc trí tuệ và mang tư duy của thời đại? Lãnh đạo Viettel đã nhận ra rằng, thị trường viễn thông trong nước sẽ sớm bị bão hòa, nếu không mở rộng không gian sống, doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn. Vì thế, họ quyết định phải mở rộng thị trường ra quy mô toàn cầu. Với họ, thị trường đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam không phải chỉ bó hẹp với quy mô hơn 90 triệu người dân trong nước, mà là thị trường toàn cầu với hơn 7 tỷ người.

Nhưng nghĩ là một chuyện, dám thực hiện ý nghĩ lại là một chuyện khác. Từ xưa tới nay, nhắc tới doanh nghiệp Việt Nam là người ta lo lắng bởi sự “khôn nhà, dại chợ”. Hội nhập quốc tế đối với doanh nghiệp Việt Nam vẫn chủ yếu là sự chống đỡ, bảo vệ thị trường nội địa trước sức tấn công của hàng ngoại nhập, của các doanh nghiệp nước ngoài. Chúng ta là nước xuất khẩu, nhưng chủ yếu vẫn là xuất khẩu thô, xuất khẩu sản phẩm gia công chưa có thương hiệu, vẫn phải cam chịu gắn thương hiệu của nước ngoài. Trước Viettel, gần như không có một doanh nghiệp trong nước nào dám vượt biển lớn, mở cơ sở, đầu tư kinh doanh thành công ở nước ngoài.  

Tôi đã từng đến Mô-dăm-bích, Tan-da-ni-a - những thị trường châu Phi của Viettel. Đi trên những vùng thiên nhiên hoang dã, suốt hàng ngày trời chẳng thấy bóng người, tôi từng tự hỏi: “Nếu mình không làm báo, làm sao đến được những vùng đất như thế này?”. Vậy mà người Viettel lại đến những nơi còn ngóc ngách, hẻo lánh hơn thế nhiều lần. Như những nhà thám hiểm, họ đến tận những bộ tộc, làng bản xa xôi nhất của các nước thuộc Đông Nam Á, châu Phi, châu Mỹ.

Không giống như suy nghĩ thông thường về các yếu tố bảo đảm, người Viettel mang tinh thần của người lính, nhận lệnh là lên đường. Tốc độ phát triển ở thị trường nước ngoài của Viettel có giai đoạn nhanh đến mức tập đoàn không kịp trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng, ngôn ngữ, văn hóa bản địa cho những nhân lực ra nước ngoài. Mà ngay cả muốn trang bị cũng khó, bởi có những địa điểm người địa phương nói thứ ngôn ngữ bản địa, có thứ văn hóa mà tại Việt Nam chưa từng biết tới. Thế rồi bằng nhiều cách thức, bằng cả ngôn ngữ cơ thể, bằng ngôn ngữ chân thành của trái tim, người Viettel vẫn xoay sở để dựng được hệ thống khổng lồ những trạm phát sóng. Họ kéo cáp quang vượt qua cả rừng rậm A-ma-dôn, một điều mà ngay chính các doanh nghiệp viễn thông của quốc gia đó cũng chưa dám nghĩ tới. Độ dài hệ thống cáp quang của Viettel đã đủ quấn quanh Trái Đất này đến 9 vòng.   

Thế giới rất muôn màu. Thế giới rất kỳ diệu. Để khám phá thế giới, để chinh phục thế giới, người ta phải có dũng khí bước những bước đi đầu tiên, chấp nhận đối đầu với những thử thách, bỡ ngỡ, vấp váp. Viettel-một doanh nghiệp quân đội-đã là chiến sĩ tiên phong, mở đường cho doanh nghiệp Việt Nam ra với thế giới. Với những điều tốt đẹp mà Viettel đã làm cho các quốc gia mà họ đầu tư: Mang viễn thông đến cho người nghèo, vùng sâu, vùng xa; Internet miễn phí cho trường học; luôn giữ lời hứa ngay cả trong những hoàn cảnh bất lợi nhất (vẫn đầu tư vào Hai-ti mặc dù nước này bị động đất tàn phá hoang tàn)..., người dân thế giới đã nhìn doanh nghiệp Việt Nam, con người Việt Nam bằng con mắt đầy thiện cảm. Đó là hành trang, là cơ hội tốt mà Viettel đã chia sẻ, đã tạo dựng cho các doanh nghiệp Việt Nam khác.

Sự thành công của Viettel ở thị trường nước ngoài, rồi ở lĩnh vực như nghiên cứu, phát triển công nghệ cao đã minh chứng cho một chân lý rằng: Doanh nghiệp Việt Nam, người Việt Nam, dân tộc Việt Nam, đất nước Việt Nam có thể vượt lên trong một không gian toàn cầu, nếu như có khát vọng, có tầm nhìn và có đủ dũng khí để thực hiện khát vọng, tầm nhìn ấy.    

HỒ QUANG PHƯƠNG