Có người cho rằng, lao động ở các tỉnh, thành phố vùng kinh tế trọng điểm phía Nam về quê vừa là điều bất lợi, lại vừa có điều thuận lợi. Điều bất lợi là nỗi gian nan, vất vả, nguy hiểm đến sức khỏe trên đường đi; là nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh trong cộng đồng và làm thiếu hụt lao động khi các DN hoạt động trở lại. Còn thuận lợi là họ có thể tránh được dịch bệnh, bớt khó khăn về cuộc sống và có cơ hội tìm kiếm việc làm ở quê hương. Nhưng trên thực tế, không phải địa phương nào cũng có khu công nghiệp, có cơ sở sản xuất để đáp ứng đủ việc làm cho hàng nghìn, thậm chí hàng chục nghìn lao động. Hơn thế nữa, những lao động có trình độ, tay nghề cao trong lĩnh lực công nghệ, thì có rất ít cơ hội tìm kiếm việc làm vì ở quê không có khu công nghệ cao, hay nhà máy hiện đại. Vì thế, người lao động trở lại nơi làm việc cũ và việc đón người lao động trở lại của các DN, là xu thế tất yếu trong điều kiện bình thường mới.
 |
Lực lượng công an tuyên truyền cho người dân về các chủ trương của tỉnh trong phòng, chống dịch Covid-19. Ảnh: Thúy An/qdnd.vn. |
Hiện nay, đa số địa phương có người lao động về quê, đều mong muốn và sẽ tạo mọi điều kiện để họ trở lại DN cũ làm việc sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát. Ở một số tỉnh Tây Nguyên và miền Tây Nam Bộ, nếu người lao động muốn trở lại TP Hồ Chí Minh, hay các tỉnh: Bình Dương, Đồng Nai, Long An làm việc, thì địa phương sẽ hỗ trợ xét nghiệm Covid-19, giúp hoàn thiện các hồ sơ liên quan, tạo điều kiện đi lại thuận lợi...
Việc thiếu hụt lao động khi khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh đang là bài toán khó của các DN vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Những ngày qua, các DN đã tìm mọi cách để vận động, thuyết phục lao động trở lại làm việc với nhiều cam kết, như: Tiêm đủ vaccine, bố trí nơi ăn ở, trả lương cao, làm việc trong môi trường an toàn, bố trí xe đón công nhân trở lại công ty... Một tín hiệu rất đáng mừng là từ ngày 10-10 đến nay, nhiều lao động từ các tỉnh Tây Nguyên và miền Tây Nam Bộ đã trở lại DN cũ để làm việc.
Để đón người lao động trở lại hiệu quả, các DN cần nhanh chóng xây dựng phương án khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh, trong đó có dự báo về nhu cầu lao động phù hợp. Kiên trì thuyết phục, vận động những công nhân có tay nghề cao quay lại doanh nghiệp làm việc, đồng thời lắng nghe tâm tư, tình cảm, nguyện vọng và khó khăn của họ để có giải pháp chăm lo phù hợp. Các DN phải xây dựng các chính sách tốt để giữ chân người lao động, nhất là các vị trí cần kinh nghiệm công tác và tay nghề cao. Bên cạnh đó, DN cần quan tâm thực hiện các chương trình, chính sách thu hút nguồn lao động trẻ, nhất là những sinh viên mới tốt nghiệp để đào tạo, thay thế dần các khâu đang thiếu hụt lao động.
Để người lao động trở lại làm việc thuận lợi, các địa phương cần sớm thống nhất cơ chế lưu thông liên tỉnh. Có như vậy, việc đi lại của người lao động mới được thông suốt, chuỗi sản xuất, kinh doanh không bị đứt quãng. Đón người lao động trở lại làm việc là một việc làm rất cần thiết, cấp bách lúc này. Nó sẽ giúp cho quá trình khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh trong trạng thái bình thường mới đạt hiệu quả cao, giúp TP Hồ Chí Minh cùng các tỉnh lân cận phát triển kinh tế-xã hội, hội nhập quốc tế một cách nhanh chóng và vững chắc.
LÊ PHI HÙNG