Ngày nay, doanh nhân có vai trò rất quan trọng trong xã hội. Họ không chỉ là người lãnh đạo, tổ chức cho doanh nghiệp sản xuất ra những sản phẩm hàng hóa mới, đưa hàng hóa ra thị trường, tạo ra những nhu cầu mới cho xã hội, mà còn đóng góp nhiều vào vấn đề an sinh xã hội và nhiều lĩnh vực phát triển khác.
 |
Ảnh minh họa. Nguồn: tapchikiemsat |
Có thể nói, chưa bao giờ vai trò, tầm quan trọng của đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp được đánh giá cao như hiện tại. Ở góc độ phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế, đội ngũ doanh nhân Việt Nam còn được ví là "những người lính thời bình". Đảng, Nhà nước và nhân dân cũng ghi nhận: "Doanh nghiệp là tài sản quốc gia và doanh nhân là hiền tài của đất nước" đối với những doanh nghiệp và doanh nhân chân chính, những người luôn gắn liền với trách nhiệm phát triển kinh tế đất nước, trách nhiệm an sinh xã hội.
Trách nhiệm an sinh xã hội xuất phát từ chính nhu cầu phát triển của doanh nhân-doanh nghiệp (DNDN), không phải là lòng hảo tâm. Bởi vì, khi tham gia vào quá trình thực thi các quy định về thực hiện trách nhiệm xã hội, DNDN sẽ đạt rất nhiều lợi ích. Bởi vậy, các doanh nhân cần phải đầu tư, phát triển doanh nghiệp của mình sao cho quá trình sản xuất-kinh doanh thân thiện với môi trường; góp phần giải quyết tốt công ăn, việc làm và chính sách cho người lao động; xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng, nhà ở và các nhu cầu của người dân; tạo ra các sản phẩm chất lượng, có giá cả cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng; tích cực chăm lo, giúp đỡ người có công, hộ nghèo và những mảnh đời bất hạnh... Làm tốt những điều này, doanh nghiệp sẽ góp phần nâng cao hình ảnh và thương hiệu của mình; tạo sự tin tưởng của xã hội và người tiêu dùng.
Tuy nhiên, hiện vẫn còn một số DNDN coi việc thực hiện các vấn đề an sinh xã hội, làm thiện nguyện như là một hoạt động để quảng bá thương hiệu, đánh bóng tên tuổi. Cá biệt có một số người còn cho đó là hành động ban ơn, nên khi thực hiện thì tuyên truyền rầm rộ nhưng lại gượng gạo, nặng về hình thức, thiếu sự trân trọng đối với xã hội.
Trong thời kỳ hội nhập và phát triển, DNDN cần hiểu là thực thi trách nhiệm xã hội theo hướng tạo mô hình kinh doanh đem lại lợi ích cho cả doanh nghiệp và cộng đồng xã hội, chứ không chỉ đơn thuần là tài trợ và hỗ trợ. Những DNDN chân chính cần nhận thức được rằng doanh nghiệp thu lợi nhuận từ xã hội, thì việc đóng góp trở lại cho xã hội là điều hiển nhiên. Thời gian qua, chúng ta rất cảm động khi chứng kiến những DNDN đã đóng góp hàng tỷ đồng cho quỹ vì người nghèo, quỹ hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam như: Doanh nghiệp Golf Long Thành của Anh hùng lao động Lê Văn Kiểm, Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội, Tập đoàn Vingroup của doanh nhân Phạm Nhật Vượng, Tập đoàn Hoa Sen của doanh nhân Lê Phước Vũ, Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn, MB, VietinBank… Bên cạnh đó, rất nhiều DNDN cũng tạo ra những quỹ từ thiện để hỗ trợ giúp đỡ nhân dân các vùng bị thiên tai, gia đình chính sách, hộ nghèo. Hành động của họ càng tôn vinh vẻ đẹp và giá trị của DNDN Việt Nam.
Trong dịp kỷ niệm ngày doanh nhân Việt Nam năm nay, chúng ta mong rằng mỗi doanh nhân đều phấn đấu trở thành một người quan trọng và từ quan trọng trở thành người được kính trọng trong xã hội. Bởi họ chính là những người đã, đang và sẽ thực hiện thành công trách nhiệm nặng nề của mình đối với sự phát triển của nền kinh tế nước nhà, sự phát triển của xã hội và góp phần mang lại niềm hạnh phúc cho mọi người.
LÊ PHI HÙNG