Anh cho chúng tôi xem video, hình ảnh ghi lại các cuộc họp có đại diện chính quyền và người dân bàn thảo về dự án NTCC ven sông Hồng (phường Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội) cuối năm 2020. Họa sĩ Nguyễn Thế Sơn và các cộng sự đã phải thuyết minh nhiều lần, giải đáp thắc mắc của người dân về từng tác phẩm. Sau khi hoàn thành, người dân phường Phúc Tân rất tự hào về dự án đã tạo ra không gian nghệ thuật để người dân vui chơi, đồng thời trở thành địa điểm thu hút khách du lịch ở khu vực nằm ngoài đê sông Hồng.

Con đường nghệ thuật Phúc Tân đã biến một bãi rác ven sông thành không gian sáng tạo cộng đồng. Ảnh: TTXVN. 

Đạt giá trị nghệ thuật, tạo ra sức lan tỏa như Dự án NTCC Phúc Tân trên thực tế không có nhiều, dẫu các tác phẩm NTCC đang xuất hiện như “nấm mọc sau mưa”. Từ đô thị phồn hoa đến nông thôn, khó có thể thống kê đã có bao nhiêu tác phẩm NTCC do chính quyền, tổ chức đoàn thể, cơ quan, đơn vị và cả cá nhân dựng lên. Song bằng mắt thường cũng dễ nhận ra vô số tác phẩm NTCC sơ sài, chướng mắt, như: Cổng chào thô kệch, những bức bích họa phản cảm, tượng đài, phù điêu thiếu thẩm mỹ... Thậm chí có trường hợp bích họa xâm hại di tích lịch sử-văn hóa quốc gia đình cổ Tự Đông (TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương) mới đây bị công luận phê phán.

“Tô son điểm phấn” cho không gian công cộng là điều tốt đẹp nếu thực tâm muốn tạo điểm nhấn không gian, trở thành sản phẩm nghệ thuật làm phong phú đời sống văn hóa, tinh thần để người dân thụ hưởng. Nhưng thử hỏi nhiều công trình NTCC ra đời có thực sự xuất phát từ mong muốn của người dân? Hay có khi là sản phẩm từ căn bệnh duy ý chí của những người thực hiện? Phải chăng chính quyền, đoàn thể một số địa phương thấy nơi này, nơi khác có bích họa, có cổng chào, thì mình cũng quyết làm cho bằng được để cuối năm tô đẹp thêm thành tích?  

Những tác phẩm NTCC thất bại có chung đặc điểm là thiếu sự chuẩn bị cần thiết. Trong đó một điều quan trọng thường bị xem nhẹ, bỏ qua khi thực hiện các tác phẩm NTCC là không tham khảo ý kiến người dân. Không gian công cộng là của chung nên bất cứ cá nhân hay tổ chức nào cũng không thể tùy ý sử dụng. Với tác phẩm nghệ thuật, chủ sở hữu là nghệ sĩ nhưng nếu được đặt vào không gian công cộng bên cạnh sự cho phép của chính quyền địa phương, còn cần biết rõ nguyện vọng người dân địa phương đồng tình hay phản đối. Chính vì thế, để tạo dựng NTCC thì điều quan trọng là phải được tất cả các bên đồng thuận, ủng hộ.

Có người cho rằng, đa số người dân không có hiểu biết về nghệ thuật thì tham khảo ý kiến đâu có làm cho tác phẩm đẹp hơn? Suy nghĩ này vừa thiếu dân chủ, vừa thể hiện sự coi thường trí tuệ tập thể của người dân. Có thể người dân không hiểu sâu về nghệ thuật nhưng nếu có vài phác thảo, phương án, người dân sẽ lựa chọn những chi tiết, hình ảnh, biểu tượng họ yêu thích, cảm thấy gần gũi, mang đậm màu sắc văn hóa, lịch sử, phong tục, tập quán, tôn giáo, tín ngưỡng ở địa phương. Người dân cũng sẽ giám sát những người thực hiện có làm đúng phương án đã thống nhất, có bảo đảm chất lượng thi công tác phẩm NTCC, bởi hiện nay, không ít tác phẩm NTCC do những người chuyên môn không cao thực hiện, mang nặng tính phong trào. Khi người dân biết, dân bàn, dân kiểm tra, dân giám sát NTCC, người dân mới thực sự được thụ hưởng, gắn bó với tác phẩm NTCC bởi có phần đóng góp của họ. Từ đó, tác phẩm NTCC mới trở thành niềm tự hào của làng xóm, phố phường, quê hương xứ sở, sau cùng, người dân sẽ chung tay gìn giữ và phát huy giá trị NTCC.

Bản chất của NTCC là phục vụ cộng đồng, do vậy NTCC chỉ thực sự đẹp khi trở thành cái đẹp trong mắt người dân, hội tụ và thể hiện bao giá trị mà cộng đồng đều trân trọng.

HÀM ĐAN