Giải thưởng trực tiếp tri ân, làm ấm lòng các tác giả, dịch giả, những người tham gia công tác xuất bản, in và phát hành sách; góp phần xây dựng văn hóa đọc, thúc đẩy hoạt động xuất bản phát triển lành mạnh.

Thị trường xuất bản Việt Nam hiện nay nhìn theo chiều rộng có nhiều tín hiệu tích cực. Các nhà xuất bản (NXB) và đơn vị liên kết mỗi năm cho ra đời gần 30.000 cuốn. Đã qua thời người dân “đói sách”, quanh đi quẩn lại chỉ có vài ba thể loại sách thông thường. Nhưng ở chiều sâu, nhiều cuốn sách, nhất là sách dịch, có nội dung nếu không sai phạm thì cũng vô bổ, không giúp cho người đọc nâng cao kiến thức, bồi đắp nhận thức về chân-thiện-mỹ. Vấn đề hiện nay đối với người đọc là họ thường lúng túng giữa “biển sách” mênh mông, không rõ sách hay, sách đáng đọc là những cuốn nào. Thẳng thắn nhìn nhận nguyên nhân, phần lớn là việc định hướng chọn sách, đọc sách cho thanh-thiếu niên trong nhà trường và gia đình chưa tốt. Chính vì vậy, những giải thưởng sách, đặc biệt là Giải thưởng Sách Quốc gia là kênh tham khảo bổ ích, đáng tin cậy bởi có đội ngũ chuyên gia trong từng lĩnh vực thẩm định.

Các bạn trẻ đọc sách tại Nhà sách Kim Đồng. Ảnh: QUANG KHOA.

Giải thưởng Sách Việt Nam qua 12 lần tổ chức ít nhiều tạo được thương hiệu, “đãi cát tìm vàng” nhiều cuốn sách hay. Hạn chế có thể thấy là cơ cấu giải thưởng quá rộng và đôi khi vinh danh những cuốn chưa thật xứng tầm. Nhưng năm nay, Giải thưởng Sách Quốc gia được nâng tầm. Việc chấm giải rất kỹ lưỡng, khắt khe, khắc phục tình trạng cào bằng, làm vui "cả làng” xuất bản. Điều này thực sự có lợi cho chính bản thân giải thưởng, bởi tiêu chí “tinh hơn đông” thực sự nâng tầm giải thưởng. Nhìn ra thế giới, giải thưởng sách của các quốc gia phát triển thường trao một giải duy nhất cho một hạng mục. Từ đó, việc được nhận giải thưởng sách quốc gia là vinh dự to lớn của mỗi tác giả. Tác giả không chỉ trở thành người nổi tiếng mà các tác phẩm tiếp theo cũng được bán chạy, khi trên bìa sách có dòng chữ: “Tác giả từng nhận Giải thưởng Sách Quốc gia”.  

Nhìn vào danh sách các tác phẩm đoạt Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ nhất, có thể thấy xu hướng đáng mừng là đa phần sách đều do các NXB xuất bản theo kế hoạch A (tự bỏ vốn ra đầu tư), không phải sách liên kết. Điều đó có nghĩa, nếu được cơ quan chủ quản quan tâm đầu tư và tự thân NXB quyết tâm làm sách “tử tế” để tồn tại và phát triển, không phụ thuộc vào đối tác liên kết, sách hay ra đời chắc chắn chinh phục được bạn đọc ngày càng khó tính. Giải thưởng Sách Quốc gia vì thế có giá trị cổ vũ những người làm sách cống hiến hết mình vì chất lượng ấn phẩm, lấy người đọc làm chủ thể phục vụ. Đó là con đường sáng đưa ngành xuất bản vượt qua khó khăn tạm thời, làm lành mạnh hóa thị trường, lấy lại niềm tin của người đọc.  

Những cuốn sách hay tất nhiên sẽ có giá trị lâu dài với thời gian, nhưng không vì thế mà chậm chân trong việc quảng bá tác phẩm đoạt Giải thưởng Sách Quốc gia. Đây vẫn được xem là khâu yếu của các NXB so với những đơn vị tư nhân. Đừng để những cuốn sách hay thật sự lại bị chìm đi sau buổi lễ trao giải trang trọng. Sách hay đến tay người đọc sẽ làm lợi cho tất cả: NXB, người đọc và thương hiệu của Giải thưởng Sách Quốc gia.

HOÀNG HOÀNG