Trước khi rạng danh trên đấu trường Ô-lim-pích Rio 2016, tuyển thủ quân đội Hoàng Xuân Vinh từng tuột mất huy chương một cách đáng tiếc ở ASIAD 2010 và vuột mất tấm HCĐ ở Thế vận hội Luân Đôn 2012. Sau những thất bại, Hoàng Xuân Vinh lại đứng dậy mạnh mẽ hơn. 1 HCV, 1 HCB, 1 kỷ lục ở Ô-lim-pích Rio 2016 của Đại tá Hoàng Xuân Vinh đã giúp thể thao Việt Nam có được vị thế to lớn.

leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa/nguồn internet.
Trong quá khứ và hiện tại, thể thao quân đội có nhiều gương mặt tiêu biểu như: Xạ thủ Trần Oanh, võ sĩ ka-ra-tê-đô Vũ Thị Nguyệt Ánh, Lê Bích Phương (đoạt HCV duy nhất cho Đoàn thể thao Việt Nam ở ASIAD 2010), kình ngư Ánh Viên (giành 2 HCĐ giá trị ở ASIAD 2014)… Người hâm mộ tự hào về Thể Công, Thông tin LienVietPostBank, về các đoàn, trung tâm thể thao quân đội. Thành công của Ánh Viên, Hoàng Xuân Vinh minh chứng thể thao nước nhà không thiếu nhân tài. Và cùng với sự đầu tư tổng lực của các ngành cho những ngôi sao thể thao, cá nhân VĐV cũng không ngừng nỗ lực, kiên trì khổ luyện để mang vinh quang về cho thể thao Tổ quốc.

Những tấm huy chương của Ánh Viên trên đường đua xanh, của Hoàng Xuân Vinh ở đấu trường đỉnh cao Ô-lim-pích giúp những nhà hoạch định chiến lược thể thao Việt Nam tin tưởng vào chặng đường phía trước. Tự hào biết bao khi nhắc tới thành công của thể thao Việt Nam trên đấu trường quốc tế luôn có những gương mặt tiêu biểu của thể thao quân đội. Những lúc gian khó, phải đối mặt với gánh nặng "cơm áo gạo tiền", thành công của Ánh Viên và Hoàng Xuân Vinh đã giúp nhiều người thêm vững tin vào cuộc sống, có thêm cảm hứng để theo đuổi những mục tiêu, khát vọng, đỉnh cao mới trong thể thao.

Thành công của nhiều VĐV tiêu biểu quân đội cho thấy thể thao thành tích cao quân đội rất đáng khích lệ. Tuy vậy, thể thao quân đội cũng cần nghiêm khắc đánh giá, nhìn nhận một cách khách quan về những việc làm được và chưa làm được trong thời gian qua. Liệu có phải thể thao quân đội đang đầu tư dàn trải ở một số môn không nằm trong hệ thống thi đấu Ô-lim-pích? Vật quân đội từng một thời gây tiếng vang trong khu vực thì nay phải cạnh tranh vất vả với vật Hà Nội. Những tuyển thủ điền kinh áo lính phải căng sức ra chạy, nếu không muốn điền kinh xứ Thanh, điền kinh Hà Nội qua mặt. Rồi ngay trong những trung tâm thể thao, đoàn thể thao quân đội đang có dấu hiệu chững lại về mặt chuyên môn. Bài toán về con người và bài toán về kinh phí luôn khiến lãnh đạo một số đoàn thể thao quân đội trăn trở. Bỏ thì thương, vương thì vất vả. Nhưng có lẽ, cần một quyết sách mạnh mẽ hơn, cần sự hy sinh để hướng đến những thành công cao hơn trong tương lai.

Để thể thao quân đội-những "quả đấm thép"-tự tin xung trận, tiếp tục tỏa sáng và tô thắm thêm "màu cờ sắc áo" của Việt Nam trên đấu trường quốc tế trong thời gian tới, ngoài đòi hỏi nỗ lực của các cá nhân VĐV, HLV, sự chăm lo, bồi dưỡng của quân đội thì các bộ, ngành chức năng cũng cần quan tâm hơn nữa đến chế độ, chính sách phù hợp nhằm tạo "sức bật" mới cho các VĐV áo lính tiếp tục được cống hiến, thành danh; đồng thời chú trọng đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, thế mạnh của thể thao quân đội mà thể thao các địa phương, các ngành khác khó sánh kịp.

THU HIỀN