Hầu hết các bảo tàng công lập ở nước ta được xây dựng khang trang ở vị trí đắc địa tại các trung tâm hành chính, kinh tế, văn hóa của đất nước và của mỗi địa phương. Những năm qua, tuy có cố gắng cải tiến hình thức, nội dung trưng bày và tăng cường tuyên truyền, quảng bá để thu hút khách đến tham quan, tìm hiểu, nghiên cứu, học tập tại bảo tàng, nhưng số bảo tàng “ăn nên làm ra” và tạo ấn tượng đối với du khách số lượng không nhiều. Ngoại trừ một số bảo tàng công lập đầu ngành và bảo tàng chuyên ngành là điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài nước, như: Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Bảo tàng Phụ nữ, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh (TP Hồ Chí Minh)… còn lại phần lớn các bảo tàng của nhiều địa phương, nhiều ngành vẫn hoạt động thiếu sức sống, chưa hiệu quả.

Khách tham quan triển lãm tại Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ. Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN

Nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng này là do nhiều bảo tàng chưa chú trọng đổi mới hình thức, nội dung, phương thức hoạt động; tư duy làm bảo tàng còn xơ cứng, đơn điệu; đội ngũ cán bộ, nhân viên bảo tàng thiếu năng động, sáng tạo trong hoạt động chuyên môn. Còn một căn nguyên khác, như lãnh đạo bảo tàng một tỉnh từng chỉ ra, là do những người có trách nhiệm ở địa phương coi bảo tàng như “cái kho giữ cổ vật”, nên chưa thực sự quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi cho bảo tàng phát huy tốt vai trò, chức năng của mình.

Từ nhiều năm nay, nỗi lo và cũng là nỗi buồn mà những người làm bảo tàng gặp phải là tình trạng “ngày thừa, khách thiếu”. Cụm từ này có nghĩa là ngày mở cửa bảo tàng thì nhiều, song khách đến tham quan, tìm hiểu lại rất ít, thậm chí có ngày vắng tanh khiến người làm bảo tàng “dư giờ chơi, thừa giờ… chờ khách”. 

Để tìm biện pháp giải quyết vấn đề trên, cách đây chưa lâu, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phê duyệt Đề án “Đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động bảo tàng gắn với phát triển du lịch”. Mục tiêu của đề án là tạo sự chuyển biến căn bản cả về nhận thức và hành động trong tổ chức hoạt động để các bảo tàng bắt kịp với xu thế phát triển của xã hội, thực sự trở thành trung tâm giáo dục thường xuyên về truyền thống yêu nước và ý thức giữ gìn, tôn vinh bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam.

Cả nước hiện có 126 bảo tàng công lập, trong đó hơn 50% là bảo tàng tỉnh, thành phố. Để đạt được chỉ tiêu từ năm 2021 trở đi, các bảo tàng công lập mỗi năm tăng bình quân 10% du khách, là điều không đơn giản. Bởi lẽ, ngoại trừ các bảo tàng đầu ngành cấp quốc gia và một số bảo tàng chuyên ngành có nhiều tư liệu, hiện vật độc đáo được công chúng quan tâm tìm hiểu, khám phá, còn lại bảo tàng các tỉnh, các ngành… không dễ thu hút khách vì thiếu bản sắc riêng. Trong khi đó, theo lộ trình đặt ra, các bảo tàng công lập là đơn vị sự nghiệp vừa phải tinh giản biên chế, vừa hướng tới tự chủ dần về tài chính. Vì vậy, muốn tồn tại và phát triển, các bảo tàng công lập, nhất là bảo tàng địa phương phải thực sự đột phá về tư duy, cách làm bảo tàng để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của công chúng trong xã hội hiện đại và xứng đáng với vai trò là “pho sử sống” của từng địa phương.

ANH THẢO