Thời hiện đại có thêm những lễ mừng công, báo công, có tổng kết, biểu dương khen thưởng, có lễ động thổ, khởi công, khánh thành công trình, lại thêm những phong tục tặng hoa, tặng quà nhân những ngày lễ Tết, hội hè… Đấy là chưa kể những lệ tục mới du nhập từ nước ngoài. Tất cả những mỹ tục cũ-mới đều thể hiện sự gắn kết tình nghĩa cộng đồng, gia đình, xã hội, đem lại sự cảm thông, chia sẻ, động viên, làm cho cuộc sống thêm ý nghĩa.

Cùng với sự đổi thay trong kinh tế, văn hóa, xã hội, nhiều mỹ tục được nâng cấp, phổ biến sâu rộng nhưng cũng có nhiều mỹ tục bị lợi dụng, biến tướng trở thành cái xấu, thành phản cảm, vênh lệch với bản sắc, thẩm mỹ và do vậy trở thành hủ tục. Người ta lợi dụng những dịp kỷ niệm, những kỳ hội họp, lễ Tết và mọi cơ hội giao lưu gặp mặt để không chỉ chúc mừng nhau mà là biếu tặng những món quà có giá trị kinh tế cao hoặc tiền mặt số lượng lớn với động cơ vụ lợi như mua chuộc, chạy chọt thẳng thừng hay ít ra là tranh thủ cảm tình cá nhân, để “vua biết mặt chúa biết tên”.

leftcenterrightdel
Ảnh minh họa. 

Thật đáng buồn là những ứng xử xấu, mờ ám ấy đã có cơ lây lan mạnh, trong nhiều trường hợp nó còn được coi là hiển nhiên, phải đạo, là để được việc.

Đáng tiếc, đáng buồn và đáng giận thay khi có nhiều cán bộ, đảng viên đã sa vào trào lưu quà cáp, dâng biếu, cho và nhận. Họ quan niệm rằng, trào lưu xã hội thế nào thì mình cũng phải thế. Và ở đây chính là họ đã đổ lỗi cho xã hội, “theo đuôi quần chúng”, đánh mất vai trò tiên phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên. Đây là điều Đảng, Nhà nước ta đã nhận thấy từ lâu và đã có nhiều biện pháp khuyên răn, nhắc nhở, cản ngăn, nhưng rõ ràng lối ứng xử như một căn bệnh thực dụng đó chưa thể thuyên giảm, nhất là mỗi dịp năm hết Tết đến.

Nguyên nhân của tình trạng này có từ sự tha hóa trong đạo đức, lối sống, sâu xa là tác động của thói vị kỷ, là căn bệnh của xã hội tiêu dùng, là những kẽ hở của pháp luật, quy phạm đạo đức công vụ. Nhưng trực tiếp và quan trọng nhất là buông lỏng kỷ luật, kỷ cương, là sự thiếu tự trọng, thiếu tính đấu tranh trong các tập thể, thiếu tính nêu gương và biện pháp kiên quyết của lãnh đạo, chỉ huy.

Việc Bộ Chính trị ban hành Quy định số 55-QĐ/TW về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên đúng trước dịp tổng kết cuối năm, chuẩn bị đón năm mới và Tết Đinh Dậu 2017 là một biện pháp mạnh để chấn chỉnh đạo đức lối sống, kỷ luật, kỷ cương trong cán bộ, đảng viên. Xã hội còn nhiều nhiễu nhương, cơ chế và bộ máy Nhà nước còn có những mặt bất cập và tật bệnh xã hội không dễ nhanh chóng chữa trị, khắc phục, nhưng bất luận thế nào cán bộ, đảng viên luôn nêu cao vai trò nêu gương ngay trong những ứng xử thường nhật của mình. Đó chính là một phần của cuộc đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí. Đó cũng là những hành động để củng cố, nhân lên lòng tin xã hội đối với Đảng, Nhà nước. Quy định nghiêm minh của Đảng ban hành đúng lúc cả nước đang tập trung san sẻ, trợ giúp, giải quyết những hậu quả nhiều mặt do mưa lũ dồn dập đổ xuống các tỉnh miền Trung cũng chính là thể hiện sự quan tâm sẻ chia và kết nối nghĩa tình gắn bó Đảng với Dân, Dân với Đảng để đưa những mỹ tục trong sáng trở lại và nhân lên trong xã hội.

Tết đến Xuân về, cán bộ, đảng viên, đồng chí, đồng đội, đồng bào thăm hỏi nhau, cùng nhau trao đổi, bàn bạc về tình hình cuộc sống, làm ăn hay trao tặng nhau những món quà tình nghĩa trong sáng vẫn là việc nên làm. Tinh thần trong quy định của Đảng, Nhà nước nhằm ngăn chặn việc lợi dụng những ứng xử này để vụ lợi cần và phải được thực hiện nghiêm minh cho cái Tết trở nên trong lành, đầm ấm.

Mọi tập thể đảng, cán bộ, đảng viên và nhân dân mong mỏi, chờ đợi và hy vọng vào điều đó dù biết rằng, cuộc đấu tranh để loại thải những căn bệnh xã hội sẽ còn lắm gian nan, trở ngại.

ANH NGUYỄN