Ảnh minh họa. Nguồn: vietnamnet
Họ là những gương tiêu biểu trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội; là bác sĩ, giảng viên, nhà khoa học, công nhân, nhạc sĩ… và cả đại biểu Việt kiều... Mỗi người một nét đẹp riêng nhưng đều có những điểm chung: Giản dị, khiêm nhường, yêu lao động, say mê sáng tạo, dũng cảm vượt khó và đều tha thiết yêu quê hương, đất nước. Mỗi người một công việc, một miền quê, một tính cách, tấm lòng..., nhưng đều chung một mục đích tốt đẹp: Khát khao cống hiến sức lực, trí tuệ, thành quả lao động của mình cho xã hội, cộng đồng.
Được dự giao lưu với những tấm gương tiêu biểu nhưng rất đời thường đó, chúng tôi cảm nhận, họ đều là những người “nói đi đôi với làm”, đặc biệt, lời ăn tiếng nói rất thật thà, chân chất, không màu mè, hoa mỹ. Cảm xúc của họ khi thành đạt cũng rất khiêm nhường. Những tấm gương tiêu biểu kể về việc làm tốt, thông minh, sáng tạo, giàu sức cống hiến và tính nhân văn của mình… mộc mạc đến khiêm nhường. Là những gương sáng học tập và làm theo Bác, làm được nhiều việc tốt, việc thiện vì cộng đồng, thế nhưng không ít cá nhân điển hình còn ngượng ngùng, e dè trước mi-crô, ống kính trường quay và trước đông người. Họ kể về cuộc sống mình đã trải qua, công việc mình đang làm, vị trí xã hội đang đảm trách, thành công, thành quả lao động, sự cống hiến, sáng tạo... với suy nghĩ mộc mạc: “Bản thân chưa có gì lớn lao, to tát để “khoe” trước mọi người!”.
Kết thúc các buổi giao lưu, điều đọng lại trong tôi và nhiều người tham dự là niềm vui, niềm tin về xã hội hôm nay có rất nhiều người tốt, hiền tài; không thiếu những việc tốt, hành động đẹp. Chỉ có điều, những “gia tài” quý đó của mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương và của cả nước cần được tiếp tục phát hiện, nhân lên và tuyên truyền, giới thiệu nhiều hơn để tạo sức lan tỏa, để góp phần “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, để có thêm nhiều người biết đến những tấm gương tiêu biểu và học tập, noi theo.
Tuy vậy, trong tôi vẫn còn chút băn khoăn: Những tấm gương điển hình tiêu biểu đó tác động thế nào đến nhận thức, hành động của mỗi người và cộng đồng xã hội?
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu thường căn dặn, chỉ bảo cán bộ, nhân dân bằng những lời lẽ hết sức giản dị, gần gũi mà triết lý sâu sắc, dễ hiểu, dễ làm theo. Người nói: “Mỗi người tốt, việc tốt là một bông hoa đẹp. Cả dân tộc ta là một rừng hoa đẹp”. Đó cũng là mục tiêu mà chúng ta đã và đang hướng tới khi thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Lâu nay, mọi người thường truyền nhau: “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”; người đứng đầu, người lãnh đạo phải gương mẫu, nêu gương... Hơn thế, người có chức vụ càng cao, nếu là gương sáng về đạo đức, nhân cách, hành động… thì sức lay động, lan tỏa đối với xã hội sẽ càng to lớn, mạnh mẽ. Mỗi lời nói, việc làm của người lãnh đạo luôn được nhân dân, xã hội dõi theo, tin cậy, đồng thuận, nếu họ bị thuyết phục. Nêu gương tốt, hành động đẹp ở những con người đó đang được xã hội chúng ta rất chờ đợi; mong muốn báo chí phát hiện, giới thiệu, nêu gương nhiều hơn, bởi càng có nhiều tấm gương như thế, càng có sức lay động, cổ vũ, truyền cảm mạnh mẽ.
Cũng có người đặt câu hỏi: “Họ có phải là những người “đặc biệt” không?”. Câu trả lời: “Không!”. Bởi thực tế, một thời có đồng chí phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ từng đi làm bằng “xe ôm”; đồng chí bí thư tỉnh ủy nọ đi cơ sở, đi kiểm tra bằng xe đạp, xe gắn máy... Những tấm gương rất đời thường của các đồng chí cán bộ lãnh đạo đó, khi được báo chí phản ánh luôn thu hút sự quan tâm lớn của cộng đồng, làm lay động lòng người.
Xã hội và nhân dân mong muốn, trong các chương trình giao lưu, tôn vinh, biểu dương điển hình tiên tiến, gương “người tốt, việc tốt” thời gian tới, trong số các gương điển hình học tập và làm theo Bác sẽ có thêm nhiều đồng chí lãnh đạo, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương. Đó là những cán bộ lãnh đạo dám nghĩ, dám làm, dấn thân vượt mọi khó khăn, gian khổ; là “thuyền trưởng” vững tay chèo lái “con tàu” cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; dám hy sinh quyền lợi cá nhân, thông tuệ, quyết đoán, sáng tạo, có những cống hiến tốt đẹp cho xã hội, đất nước, nhân dân. Bởi lẽ, sức lay động, lan tỏa trong cộng đồng của các điển hình tiêu biểu học tập và làm theo Bác không chỉ do những việc họ làm, thành tích họ đạt được, sự cống hiến cho dân, cho nước, mà còn bởi vị trí xã hội, chức trách, công việc mà họ đang được Đảng, Nhà nước và nhân dân tín nhiệm giao phó.
“Đẹp dẹp xấu, chính trừ tà, thiện thắng ác” không chỉ bằng đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, mà điều không kém phần quan trọng là bằng sức lan tỏa, tác động của những con người cụ thể; bằng hành động gương mẫu, việc làm thuyết phục. Trong đó, rất cần có thêm nhiều “công bộc”, “đầy tớ” của nhân dân, những tấm gương cán bộ, đảng viên, lãnh đạo các cấp… luôn tỏa sáng, gương mẫu đi đầu.
VĂN HÙNG