Những năm tháng này, có thể thấy rõ du khách trong nước, ngoài nước đã len lỏi tìm đến hầu như mọi ngõ ngách trên đất nước ta. Những bản làng hẻo lánh ở vùng cao Việt Bắc, Tây Bắc, Tây Thanh Hóa, Nghệ An…; những đảo lớn, nhỏ miền Đông Bắc, miền Trung và Tây Nam cũng có mặt thường xuyên những vị khách nước ngoài. Ấy là điều đáng mừng về vẻ hấp dẫn đa dạng của thiên nhiên, đất nước, con người và ngành công nghiệp không khói đang vào trào phát triển của đất nước ta. Nhưng không chỉ có một chiều lợi thế, lượng khách du lịch ngày càng đông đã bộc lộ những phiền toái, rắc rối, từ sự ồ ạt của khách cùng những hạn chế trong tiếp đón, phục vụ của hệ thống du lịch nước nhà.

leftcenterrightdel
Ảnh minh họa / qdnd.vn 

Thật khó chấp nhận sự tự nhiên đến suồng sã của những khách nam, khách nữ nước ngoài mặc quần ngắn, áo hở đến các nơi thờ tự, di tích lịch sử tôn nghiêm. Cũng không thể chiều những “quý khách” đòi hỏi những lạc thú cờ bạc, mãi dâm, nghiện hút. Càng không thể tha thứ cho những người núp bóng, lợi dụng danh nghĩa khách du lịch để kinh doanh bất hợp pháp, tuyên truyền xấu về đất nước, con người, lừa đảo, trộm cắp, gây rối trật tự trị an ngay trên những phố xá, làng quê yên bình của chúng ta…

“Khách hàng là thượng đế”, nhưng khách hàng ngày càng đa dạng, đủ thứ người từ nhiều quốc gia với những đặc điểm dân tộc, văn hóa, tín ngưỡng khác nhau. Có những đám đông khách cho rằng mình đến từ nước lớn, nước giàu, có quyền hoặc lừa lách để tạo được quyền nhận sự đối xử ưu tiên ngoài quy định như người hướng dẫn từ bản quốc hay kéo dài quá thời hạn thị thực.

“Khách hàng là thượng đế”, có thể nói, các cơ sở du lịch và mọi người dân chúng ta đã bày tỏ lòng hiếu khách, sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi, thỏa mãn nhu cầu của họ. Thật đáng mừng là nhiều điểm đến, cơ sở lưu trú hay nhà hàng, khách sạn đã tự nâng cấp để tạo nên ngày càng nhiều sản phẩm phục vụ du khách. Nhiều thành phố, thậm chí ở một số nơi xa xôi, đã có khả năng phục vụ không chỉ ẩm thực, văn hóa nghệ thuật dân tộc mà còn sẵn sàng đáp ứng cả những món ăn, nhu cầu sinh hoạt, thưởng thức theo chuẩn quốc tế và đặc trưng dân tộc, tôn giáo của khách từ nhiều quốc gia. Tuy nhiên, đã không ít trường hợp luồn lách, cạnh tranh làm du lịch chui, dẫn khách, đón khách, tổ chức các hoạt động du lịch mạo hiểm không phép để kiếm tiền riêng, trốn thuế. Những tai nạn đáng tiếc xảy ra đối với du khách nước ngoài ở Đà Lạt, Phan-xi-păng thời gian qua có nguyên do từ đó.

“Nhập gia tùy tục”, để thực sự tôn trọng khách, chiều khách, các tổ chức, cơ sở du lịch cần hướng dẫn chu đáo, tỉ mỉ cho mọi du khách về luật pháp, văn hóa Việt Nam nói chung và những đặc điểm quy định riêng biệt của từng vùng, miền, địa phương và điểm đến nói riêng. Điều này ai làm du lịch đều đã được học, được biết, nhưng thực tế kiến thức và kinh nghiệm bao nhiêu cũng chưa đủ, nhất là khi yêu cầu của khách tìm hiểu về văn hóa Việt Nam ngày càng nhiều và sâu sắc. Thật buồn là có những nhóm du khách phải vất vả để tìm người có thể giới thiệu cho họ biết tương đối cặn kẽ và chính xác về Hoàng thành Thăng Long, về Khu di tích Mường Phăng và người dân tộc Thái ở Điện Biên, về lịch sử cây cầu Hiền Lương, di tích Khe Sanh ở Quảng Trị hay Khu di tích Mỹ Sơn (Quảng Nam)… Cũng thật chạnh lòng khi một số hướng dẫn viên kiêm phiên dịch của chúng ta không thể giảng giải ngọn ngành cho du khách trước các tấm bản đồ đất nước, trước các sân khấu chèo, tuồng, đờn ca tài tử…

Để thực sự cho du khách “nhập gia tùy tục”, hiểu, thu hoạch được nhiều và thích thú với đất nước, con người Việt Nam, những người làm du lịch là những cầu nối-những đại sứ đắc lực và đáng mến. Việc học hành ở trường lớp là chưa đủ, thực tế và tình yêu, trách nhiệm nghề nghiệp sẽ giúp họ nâng cao trình độ nghiệp vụ và văn hóa. Du lịch nước nhà trông mong vào họ.

ANH NGUYỄN