Không loại trừ đây là thủ đoạn của giới "cò đất" với mục đích xấu, nhưng thực tế cho thấy những lô đất, căn hộ "ngoại giao" là có thật. Anh bạn tôi là trưởng phòng kinh doanh của một công ty xây dựng-bất động sản khẳng định chắc nịch: "Dự án nào mà chẳng phải dành vài chục suất "ngoại giao" cho cán bộ, công chức liên quan đến việc giải quyết thủ tục hành chính. Có như vậy thì những dự án sau mới có thể triển khai thuận lợi!".

Suất "ngoại giao" là những lô đất, căn hộ dự án có giá thấp hơn nhiều so với giá bán chính thức hoặc thậm chí "biếu không", có thể được chủ đầu tư ưu ái cho đối tác, người thân... nhưng chủ yếu dành cho những cán bộ, công chức trong bộ máy chính quyền địa phương có liên quan đến việc giải quyết các thủ tục hành chính trong quá trình phê duyệt, triển khai thực hiện dự án. Phần lớn cán bộ, công chức được nhận suất "ngoại giao" không có nhu cầu về nhà, đất ở, vì vậy đã tìm cách bán trao tay, kiếm lời hàng trăm triệu đến hàng tỷ đồng một cách dễ dàng. Tất nhiên, doanh nghiệp kinh doanh không thể không có lãi nên chi phí cho những suất "ngoại giao" này sẽ được hạch toán vào giá bán những lô đất, căn hộ còn lại. Như vậy, xét đến cùng, khách hàng có nhu cầu mua bất động sản là những người chịu thiệt khi giá bán bị tăng cao một cách bất hợp lý.

Sự xuất hiện, tồn tại những lô đất, căn hộ "ngoại giao" phần nào phản ánh sự chưa minh bạch của thị trường bất động sản. Ảnh minh họa: TTXVN 

Người Việt trọng nghĩa tình, thường cảm ơn người khác khi được quan tâm, giúp đỡ. Đó là cách ứng xử hợp đạo lý, là nét văn hóa tốt đẹp. Tuy nhiên, trong trường hợp doanh nghiệp phải "cảm ơn" cán bộ, công chức bằng những bất động sản "ngoại giao" thì có lẽ sự cảm ơn đã biến tướng thành tham nhũng, tiêu cực. Chắc chắn không doanh nghiệp nào muốn bỏ ra những lô đất, căn hộ có giá hàng tỷ đồng, nhất là trong bối cảnh khó khăn chồng chất do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 để "cảm ơn", nhưng nếu không như vậy, liệu dự án có thể triển khai đúng tiến độ, có bị gây khó dễ?

Sự xuất hiện, tồn tại những lô đất, căn hộ "ngoại giao" phần nào phản ánh sự chưa minh bạch của thị trường bất động sản; thái độ làm việc theo kiểu ban ơn, hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực của một bộ phận cán bộ, công chức trong các cơ quan công quyền. Điều này hoàn toàn trái ngược với chủ trương, quyết tâm xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, xây dựng Chính phủ "liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ" mà Đảng, Nhà nước đang nỗ lực thực hiện.

Công khai, minh bạch, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, phát huy hiệu quả của Cổng Dịch vụ công quốc gia... là những yếu tố quan trọng để hạn chế, xóa bỏ tình trạng nhà đầu tư phải bố trí những lô đất "ngoại giao" như nói trên. Tuy nhiên, yếu tố quan trọng nhất là sự gương mẫu của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương và các sở, ngành chức năng. Nếu người đứng đầu gương mẫu thì cấp dưới sẽ không dám vi phạm, khi vi phạm cũng dễ xử lý kịp thời, nghiêm minh.

PHƯƠNG HIỀN